| Hotline: 0983.970.780

'Cấp cứu' đê điều, thủy lợi sau bão: [Bài 3] Thiệt hại lớn, địa phương không kham nổi

Thứ Sáu 20/09/2024 , 09:06 (GMT+7)

Số công trình thủy lợi bị thiệt hại sau bão Yagi rất lớn, trong khi kinh phí bảo trì, sửa chữa hạn hẹp, nhiều địa phương phải đề nghị Trung ương hỗ trợ tái thiết.

Yên Bái: 300 công trình thủy lợi hư hỏng do mưa lũ

Hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lũ tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Địa phương này ghi nhận gần 300 công trình thủy lợi bị sập, sạt lở, bồi lấp và phải đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục.

Công trình thủy lợi Phai Mòn ở xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) gồm 1 đập bê tông trọng lực, hệ thống kênh dẫn có chiều dài 68,46km. Trong đợt mưa lũ lớn sau bão số 3 kết hợp với việc thủy điện thượng lưu trên suối Nậm Tăng xả lũ đã gây lở bờ suối dài khoảng 70m, làm vỡ hỏng bờ kênh bê tông, hiện tiếp tục có nguy cơ vỡ hỏng kéo dài.

Có gần 300 công trình thủy lợi ở tỉnh Yên Bái bị hư hỏng do mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Có gần 300 công trình thủy lợi ở tỉnh Yên Bái bị hư hỏng do mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Đây là công trình đặc biệt quan trọng với 3 chức năng chính là đảm bảo tưới tiêu cho 666ha lúa 2 vụ, gần 350ha rau màu, 5,5ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của các xã Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham. Ngoài ra còn cấp nước thô cho sản xuất nước sạch phục vụ hơn 1.200 hộ dân của thị xã Nghĩa Lộ và cấp nước phát điện cho Nhà máy thủy điện Nậm Tăng với công suất 400 KW.

Ông Đỗ Xuân Thành, cán bộ Công ty TNHH Tân Phú (đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi Phai Mòn) cho biết, trước mắt công ty chỉ dẫn nước từ đập phụ để cấp nước sạch cho người dân. Phương án tạm thời sẽ xây dựng đoạn kênh mới dài khoảng 30 mét phía trong khu vực sạt lở bờ suối để dẫn nước sản xuất. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Nhà nước đầu tư nguồn vốn để xây kè bờ suối chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho đập và hệ thống kênh mương.

Cũng bị thiệt hại do mưa lũ, công trình hồ Khe Thắm ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn gồm đập đầu mối và hệ thống kênh dẫn dài hơn 5 km, cung cấp nước cho 3 công trình thuỷ lợi Phai Đồng Sang, Phai Thắm và Phai Bữu, tưới tiêu cho gần 70ha lúa 2 vụ, hơn 35ha rau màu và một diện tích nuôi thủy sản.

Thân đập công trình hồ Khe Thắm bị thủng do mưa lũ gây thất thoát nguồn nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Thân đập công trình hồ Khe Thắm bị thủng do mưa lũ gây thất thoát nguồn nước. Ảnh: Thanh Tiến.

“Công trình này đã được đầu tư lâu năm, một số hạng mục xuống cấp, mưa lũ vừa qua càng làm thiệt hại trở nên nghiêm trọng. Hiện, công trình bị xói lở gầm tràn xả lũ, thủng thân đập tràn làm ảnh hưởng đến khả năng trữ nước trong hồ… Trước mắt, công ty TNHH Tân Phú có phương án đổ bê tông tường cắm sâu xuống sân tràn và lỗ thủng ở thân đập. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, sau khi nghiên cứu, khảo sát sẽ đề nghị tỉnh Yên Bái đầu tư nâng cấp kiên cố, đảm bảo an toàn bền vững”, anh Đỗ Xuân Thành, đại diện Công ty TNHH Tân Phú cho biết thêm.

Tại huyện Trấn Yên, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 16 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng và thiệt hại, trong đó nhiều công trình kênh mương trên các cánh đồng ven sông Hồng đã bị ngập úng, vùi lấp sâu dưới lớp đất bùn.

Ông Trần Ngọc Thư, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng lớn, có nhiều tuyến mương bị vùi lấp sâu đến 1 mét. Do đất bồi lấp nên mặt bằng trên các cánh đồng đã được nâng lên, những tuyến mương được đầu tư trước đây nếu nạo vét và khôi phục lại hiện trạng ban đầu cũng khó có thể dẫn nước tưới cho các diện tích cây trồng. Đối với một số diện tích không đảm bảo nước tưới, huyện sẽ vận động người dân chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm và các loại rau mầu khác. Còn theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gần 300 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. 

Nguồn lực sửa chữa quá thấp, doanh nghiệp thủy lợi "bó tay"

Từ bao đời nay, cánh đồng xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) là mảnh đất màu mỡ, vựa lúa của địa phương cho đến khi cơn bão Yagi kéo đến. Lũ tràn về, cánh đồng như một bức tranh loang lổ, lốm đốm màu xanh xen lẫn những vạt màu cỏ úa. Nhiều mảnh ruộng đang xanh rì giờ trơ toàn sỏi đá, phía trên là những lớp bùn đỏ đặc quánh.

Đập Nà Lếch với hệ thống kênh dẫn nước len lỏi đi mọi ngõ ngách của cánh đồng xã Thanh Vận tưới nước cho hơn 5ha đất trồng lúa. Sau cơn bão số 3, nước lũ, đất đá tràn về, khi nước rút đập Nà Lếch bị hư hỏng. Toàn bộ thân đập bị vùi lấp, sạt lở, kênh mương gãy đổ trôi theo dòng nước lũ. Những ngày này, bà con đang nỗ lực cứu những thửa ruộng vừa bị nước lũ tàn phá, nhưng đập không còn, khắc phục xong cũng không có nguồn nước tưới.

Tại tỉnh Bắc Kạn, hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lũ lớn khiến hệ thống thủy lợi bị tàn phá nghiêm trọng. Chỉ tính riêng công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn quản lý đã có 39 công trình bị hư hỏng, tổng thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Điển hình như đập Bó Vai tại xã Sơn Thành (huyện Na Rì), mưa lũ đã làm đập đầu mối bị bong tróc, rò rỉ qua thân đập, tuyến kênh đá xây rò rỉ, gãy đổ. Tại xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), đập Cáp Trạng và hệ thống kênh cũng bị nước lũ tàn phá nặng nề, cống lấy nước vào kênh và van điều tiết đã bị hỏng hoàn toàn. Tuyến kênh bị sụt đáy, nghiêng, bong tróc gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng.

Đập, kênh Nà Lếch, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) hư hỏng toàn bộ trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Ngọc Tú.

Đập, kênh Nà Lếch, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) hư hỏng toàn bộ trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Ngọc Tú.

Bà Đào Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cho biết, hiện nay công ty quản lý 390 công trình (33 hồ chứa, 342 đập kênh và 15 trạm bơm), riêng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây hư hỏng 39 công trình. Trong khi đó nguồn thu của công ty chỉ hơn 10 tỷ đồng/năm, chỉ đủ chi tiền lương, các khoản phải nộp tính theo lương, chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý vận hành bảo dưỡng thiết bị máy móc, kinh phí bảo trì sửa chữa công trình rất ít.

Bà Nguyệt thông tin, hàng năm nguồn kinh phí để bảo trì, sửa chữa các công trình được trích từ nguồn kinh phí cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi rất thấp (khoảng 3 tỷ đồng/390 công trình) nên không đáp ứng được nhu cầu sửa chữa thực tế.

Đặc biệt do ảnh hưởng cơn bão số 3, lượng mưa lớn gây sạt lở vùi lấp công trình, các công trình hư hỏng rất nhiều, một số công trình cần nguồn kinh phí lớn để khắc phục. Công ty đề nghị tỉnh quan tâm, bố trí nguồn lực sửa chữa các công trình, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để đảm bảo công trình phát huy năng lực, phục vụ đời sống dân sinh.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số hồ chứa chưa được kiên cố, đập đất, tràn đất, cống bậc thang tạm, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa bão và vùng hạ du đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý”, bà Nguyệt nói.

Trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn, mưa lũ đã làm 90 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp, xói lở đập, sân tiêu năng, 210m kè bị sạt lở, 6 công trình nước sạch bị hư hỏng, thiệt hại lên đến vài chục tỷ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn. Trong ngắn hạn, tỉnh Bắc Kạn khó có thể đủ kinh phí sửa chữa những công trình này, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tỉnh Yên Bái đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh gần 1.800 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp; đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi, cấp nước sạch và các dự án bố trí dân cư cấp bách, khẩn cấp…

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.