| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/07/2022 , 06:43 (GMT+7)
Xích Lô

Xích Lô

06:43 - 12/07/2022

Câu chuyện ngược dòng hay hành trình người trẻ về quê lập nghiệp

Thường điều gì theo chiều 'thuận' thì có vẻ tốt hơn chiều 'nghịch', 'xuôi chiều' thì dễ hơn 'ngược chiều', 'ngược đường', 'ngược dòng'.

(Tặng những người dám ngược dòng)

Diều bay cao nhờ ngược gió. Cá hồi sinh sôi nhờ ngược dòng.

------

“Nói thuận chiều” dễ nghe hơn “nói ngược chiều”. Đi theo chiều gió dễ hơn đi ngược chiều gió. Vươn khơi bám biển, người người mong “thuận buồm xuôi gió”. Gắn bó với sông nước, kênh rạch, nhà nhà chúc nhau “xuôi chèo mát mái”.

Chính vì “xuôi dòng”, “thuận chiều” gắn với thuận lợi, bình an, nên “nghịch chiều” hay “ngược dòng” thường là bất đắc dĩ, là thiểu số, thường được xem là khác thường, là bất thường, là không giống ai, là lập dị. Nếu nói ai đó “đi ngược đường”, thì đồng nghĩa là không đúng đắn, không được chấp nhận, thậm chí trong trường hợp cụ thể như khi tham gia giao thông, còn là vi phạm quy tắc, luật lệ.

Đi xuôi là đi theo quán tính của số đông. Đi xuôi thường dễ dàng, thuận tiện, vì có nhiều người cùng đi, cùng lực đẩy tự nhiên góp sức. Đi ngược chỉ gồm thiểu số khác biệt, đôi khi phải tự lần mò, tìm đường. Đi ngược chiều thì rủi ro nhiều hơn, lực cản nhiều hơn, đôi lúc “lực cản” đến từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Ngày càng nhiều bạn trẻ rời phố về quê khởi sự lập nghiệp có thể được xem là xu thế “ngược dòng”. Nhiều trang thông tin, diễn đàn “Về quê lập nghiệp”, “Rời phố về vườn”, “Rời phố về rừng” thường xuyên được giới thiệu, cập nhật, để bày tỏ, chia sẻ ý tưởng, tâm huyết, trao đổi cách nghĩ, cách làm, cùng bao trăn trở của những thanh niên dám ngược dòng, chấp nhận thử thách.

Trong lúc dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề, dòng người rồng rắn bất chấp mưa nắng trở về quê, có thể được xem là “di cư ngược”. Hiện vẫn chưa có đủ những khảo sát và số liệu thống kê chính xác để phân tích, kết luận xu thế như trên là mang tính nhất thời, hay là sự chọn lựa mới của nhiều người, trong đó có người trẻ.

Tự do cư trú, ai cũng có thể chọn lựa, quyết định nơi mình sinh sống, gắn bó. Do nhiều lợi thế so sánh, đô thị luôn là nơi người người tìm đến. Nhịp sống sôi động, điều kiện giao lưu văn hoá, học tập và tìm kiếm việc làm, cơ hội thăng tiến,… đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Đô thị hoá là quá trình phát triển tất yếu của các quốc gia, tạo thành “lực hút” dòng người từ khu vực nông thôn, hội tụ về chốn phồn hoa náo nhiệt. Thế mà, không ít người lại lựa chọn con đường quay về làng quê, nông thôn, hít thở môi trường sống trong lành, yên ả. Lựa chọn phù hợp tuỳ ở suy nghĩ, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người, không có ai đúng ai sai, ai khôn ai dại như câu: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.

Rời phố về làng, những người trẻ “gói ghém” hàng trang là nguồn năng lượng dồi dào, sự năng động, cách nghĩ, cách làm, vốn sống,… được hấp thu, trải nghiệm nơi đô thị. Tuy còn cần thời gian kiểm nghiệm, nhưng bước đầu, những người trẻ về quê đã cùng tham gia “đánh thức” tài nguyên bản địa, kết hợp kiến thức công nghệ, phát huy nét độc đáo văn hoá địa phương, tạo nên những giá trị mới.

Cũng quả dừa đó, quả cam đó, củ ấu đó, con rươi đó, bông sen đó, bánh dân gian đó, những người trẻ đã nung nấu ý tưởng, “thổi hồn”, tạo ra nhiều sản phẩm đủ sức vươn ra thế giới. Cũng mảnh vườn đó, rừng cây đó, vuông lúa đó, những người trẻ đã tích hợp giá trị gấp nhiều lần, nhờ cách làm hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, kết hợp ứng dụng công nghệ số. Cũng khoảng trời đó, mặt đất đó, mạch nước đó, dòng sông đó, những người trẻ đã thu hút du khách gần xa tìm đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, cộng đồng.

Xuất phát điểm, chuyên môn công việc của những người trẻ về làng, về nông thôn rất đa dạng. Có người từng là doanh nhân, người chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc giữ vai trò trọng yếu trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Có người là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân,…, có người là công nhân tích góp được vốn liếng và kỹ năng nghề nghiệp, sau thời gian làm việc ở các khu công nghiệp lớn, hay từng xuất cảnh ra nước ngoài.

Nhưng tựu trung lại, chấp nhận rời phố về làng là lựa chọn và quyết định của những người dám đương đầu với thử thách và dám thách thức ngay chính bản thân mình. Các bạn trẻ không bị giới hạn theo những khuôn mẫu vẫn được xem như điều mặc định. Các bạn trẻ có tư duy mở, có tính kết nối năng động các mối quan hệ xã hội. Các bạn trẻ tràn đầy khát vọng, đam mê tìm tòi, học hỏi, luôn mong muốn khám phá điều mới mẻ và chia sẻ những giá trị mới mẻ đó cho những người chung quanh.

Những dự án khởi sự lập nghiệp của những người rời phố về làng thường nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Do quy mô nhỏ, nên thường không được chú ý. Nhưng hãy nhìn lại xem, nhiều tập đoàn đa quốc gia hôm nay, vài mươi năm trước cũng chỉ là một cửa hàng nhỏ,  một xí nghiệp nhỏ, một nông trang nhỏ. Dù nhỏ nhưng vẫn là công sức, là tâm huyết của chính mình, là để khẳng định giá trị của mình: mình có thể tự chèo lái con thuyền cuộc đời - sự nghiệp đến bến bờ mơ ước. Dù nhỏ nhưng lại là tương lai của địa phương, nếu lãnh đạo biết trân trọng, đồng hành tạo dựng hệ sinh thái cùng nhau chăm bón, vun trồng. Cây đại thụ sum suê nhìn thấy được hôm nay, cũng bắt đầu từ một hạt giống nhỏ. Không dày công gieo mầm, chăm chút, sao hy vọng có ngày gặt hái, đón mừng thành quả chung?

Đến thăm không gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp chế biến, hướng đến mục tiêu hiện thực hoá “Giấc mơ Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới”, lòng rộn ràng nhiều điều bất ngờ đan xen sự khâm phục.

Khâm phục về những ý tưởng sáng tạo. Khâm phục vì giữa một khu phố đông người hối hả chuyên buôn bán bánh Tây, hàng Tàu, vẫn có không gian cho những sản phẩm “Products of Viet Nam”, “Proudly Made in Viet Nam”“của Việt Nam, tự hào sản xuất tại Việt Nam”. Khâm phục vì những bạn trẻ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau, mạnh mẽ sát cánh bên nhau, chia sẻ về những giá trị từ truyền thống lịch sử kết hợp văn hoá địa phương, đến ước mơ cháy bỏng tạo ra những sản phẩm độc đáo, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ hằng mong ước.

Vậy điều đó nhỏ hay lớn? Có câu danh ngôn vẫn đi cùng năm tháng: “Không có công việc nào nhỏ nhoi, thấp kém, chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc mà thôi”.

Vậy bằng những sản phẩm của mình tạo ra, hình như các bạn trẻ đã tìm thấy ý nghĩa cho công việc, cho cuộc sống của riêng mình rồi. Đó là các bạn đã chọn cho mình một lối sống, một cách sống, một thái độ sống, một lẽ sống.

Đó là thay vì ngồi than trách “bóng đêm”, thay vì thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ từ xã hội, thì các bạn đang đóng góp một cách tích cực cho cộng đồng, thông qua việc theo đuổi điều mình yêu, điều mình muốn làm, điều cần được hoàn thành. Các bạn dũng cảm dấn thân, tự tay “thắp lên một ngọn đuốc”. Một vị Giáo sư đáng kính chia sẻ triết lý qua nhiều chiêm nghiệm: “Thế giới được vận hành trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó, thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng”.

Vậy là những người trẻ rời phố về làng, không phải đi ngược, mà đi tìm chỗ đứng, vị thế để khẳng định mình. Như cánh diều bay cao nhờ ngược gió, cá hồi sinh sôi nhờ ngược dòng, ngày ngày các bạn trẻ vẫn luôn “ngược dòng” trong từng quán tính, suy nghĩ, trong từng ý tưởng, công việc sản xuất, kinh doanh, để hành trình “hồi hương” không chỉ để quay về, mà kiên trì vượt từng khó khăn, chướng ngại, góp từng phần sức nhỏ để làng quê nông thôn càng thêm trù phú, đáng sống.