| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng nông sản cho 100 triệu người Việt không thể dễ dãi

Thứ Năm 22/09/2022 , 22:28 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định việc chuẩn hóa chất lượng nông sản cho thị trường trong nước là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Tối 22/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, Sở NN-PTNT một số địa phương cùng đại diện các nhà bán lẻ, hiệp hội ngành hàng để trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Minh Hoan nêu vấn đề, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi, trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản và đó là vấn đề phải điều chỉnh.

“Bộ NN-PTNT xác định phải xây dựng tiêu chuẩn cho thị trường trong nước, trước tiên là thông qua hệ thống các nhà bán lẻ. Hiện nay, Bộ đang xây dựng hệ thống tiêu chí để có thể đo được sự cải thiện trong từng giai đoạn”, ông Lê Minh Hoan cho biết.

Thời gian qua, có một số thông tin về việc các đơn vị cung cấp mua hàng ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào các siêu thị. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đây là những hiện tượng cá biệt, do đó cần có cách đánh giá và đưa ra giải pháp tổng thể, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành hàng.

Đặc biệt là từ nay đến tết âm lịch nhu cầu tiêu thụ còn cao, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm để tránh gặp phải vấn đề này trong quá trình kinh doanh, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng các nhà phân phối cần hạn chế mua hàng của đối tác trung gian. “Thay vào đó, cần làm việc trực tiếp với các cơ sở cung cấp như trang trại, hợp tác xã, đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào”, bà Hậu nói.

Empty

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ vè kinh nghiệm kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Góp ý với các cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị cần tìm biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn, cùng với đó là nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn.

"Để có cơ chế kiểm soát, kiểm tra hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý có thể xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị làm ăn gian dối để không làm ảnh hưởng đến người làm ăn chân chính”, bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Đối với sản xuất, bà Hậu cho rằng cần có biện pháp đẩy mạnh sản xuất nông sản trái vụ để phục vụ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các nhà phân phối cần trao đổi với bên cung cấp về năng suất, đưa ra các đơn hàng phù hợp, tránh trường hợp quá tải rồi phải mua hàng trôi nổi bên ngoài.

Về phía các đơn vị của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có các chương trình đào tạo, tập huấn để đưa hàng vào chuỗi phân phối nông sản cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông văn hóa sản xuất và tiêu dùng nông sản cũng như thiết lập không gian phân phối nông sản đạt chuẩn tại đô thị và giám sát chặt chẽ truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) Nguyễn Như Tiệp khẳng định, cần hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế chính sách theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, phát triển bền vững ngành rau, củ, quả. Ngoài ra, cần xác định được khâu trọng yếu trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản để tập trung kiểm soát như tại nơi sản xuất, các chợ đầu mối hay các kênh phân phối.

Sau khi lắng nghe thêm một số ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần cùng nhau nhìn nhận để giải quyết vấn đề. “Chúng ta cần xây dựng các chuỗi ngành hàng, từ sản xuất tới thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến cho đến cung cấp ra thị trường. Để có sản phẩm sạch từ ruộng đến bàn ăn, cần kết nối được thành phần trong chuỗi ngành hàng, cần đến niềm tin giữa các bên”, lãnh đạo ngành nông nghiệp nói.

Mở rộng hơn, ông cho rằng cần xây dựng các hệ sinh thái ngành hàng, với sự tham gia của nhiều thành phần. Khi đó, các thành phần trong hệ sinh thái cần có sự thấu hiểu, đặt vào vị trí của nhau để kết nối lại, để xây dựng được những chuỗi ngành hàng hiệu quả nhất.

“Nhà nước, thị trường, xã hội cần khớp được với nhau thì mới phát triển được”, Bộ trưởng nhận định và lưu ý thêm, để cải thiện không thể là chuyện ngày một ngày hai.

“Để thành công, chúng ta cần tư duy đi đường dài cùng nhau, sự vào cuộc của các hệ thống bán lẻ, các hiệp hội, các cơ quan truyền thông để xây dựng các chuỗi ngành hàng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, không chỉ vì các con số xuất nhập khẩu mà vì 100 triệu người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất