| Hotline: 0983.970.780

Cuối năm, cần kiểm soát chặt chất lượng nông sản các tỉnh vào Hà Nội

Thứ Tư 10/11/2021 , 10:21 (GMT+7)

Hà Nội hiện có quy mô nông nghiệp bằng 3-4 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhưng mới chủ động được trên 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khoảng 10 triệu người dân.

Cụ thể, Hà Nội hiện đáp ứng được 58% nhu cầu về thịt, 70% về cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi... Số còn lại được đưa về từ các tỉnh, thành trong đó có 21 tỉnh, thành đã ký liên kết cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Chỉ trong 10 tháng năm 2021, Hà Nội đã tiêu thụ 220.000 tấn nông sản từ các tỉnh, thành và một số lượng nhỏ hơn là hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản ngoại tỉnh vẫn còn chưa thực sự yên tâm. 9 tháng năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra, giám sát và phát hiện 45/736 mẫu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội còn phát hiện, tiêu hủy 7.233kg hàng hóa nông sản mà điển hình là vụ bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm từ nguồn tỉnh ngoài ở phường Yên Sở của quận Hoàng Mai...

Kiểm soát được chất lượng nông sản ở chợ đầu mối là vấn đề khó khăn. Ảnh: NNVN.

Kiểm soát được chất lượng nông sản ở chợ đầu mối là vấn đề khó khăn. Ảnh: NNVN.

Sở dĩ có vấn đề trên là do tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp, chủ yếu là dạng tiêu thụ tự do qua các tư thương nên chất lượng của từng hộ sản xuất, từng vùng sản xuất, từng mùa vụ chưa đều. Nếu như việc kiểm soát chất lượng nông sản ngoại tỉnh đang bày bán ở các chợ đầu mối cũng như ở các chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội chỉ là phần ngọn còn phần gốc ở các tỉnh thành thì rất khó bởi thiếu sự chủ động vào cuộc của chính các địa phương này. Nhiều nơi còn chưa thực sực quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng ở những vùng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ cũng như tập trung, chưa xây dựng được nhãn mác, thương hiệu cũng như truy xuất nguồn gốc cho nông sản...

Bên cạnh siết chặt việc kiểm tra chất lượng nông sản từ ngoại tỉnh đổ vào, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra chất lượng nông sản của chính người nông dân trên địa bàn sản xuất, kinh doanh. Trong mấy tháng vừa qua, thanh tra Sở Nông nghiệp &PTNT đã xử phạt hành chính 10 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 190 triệu đồng vì vi phạm trong an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do đặc thù là sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu; địa bàn rộng, cán bộ quản lý đã ít lại phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn tới khó có thể xuể được.

Một cửa hàng thịt gia cầm ở chợ đầu mối. Ảnh: NNVN.

Một cửa hàng thịt gia cầm ở chợ đầu mối. Ảnh: NNVN.

Với người nông dân hay hộ kinh doanh kiểu nhỏ lẻ, nếu vi phạm an toàn thực phẩm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở hay xử phạt hành chính nên khó có tính răn đe mạnh. Quản lý chất lượng trên các cánh đồng đã thế, trên các chợ cũng không kém phần phức tạp. Hiện nay Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản và một số chợ lớn như chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở…Hàng hóa ở đây do các tư thương thu gom từ nhiều nơi, trong, ngoài thành phố và cả nhập khẩu từ nước ngoài theo chính ngạch, tiểu ngạch nên khó khăn để xác định nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất cũng như đảm bảo được độ an toàn thực phẩm của chúng.

Khoảng 90% nông sản ở chợ đầu mối được mang đi tiêu thụ ở các chợ dân sinh, do vậy kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng hàng hóa ở đây sẽ cơ bản đảm bảo chất lượng các mặt hàng bán tại chợ dân sinh.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm Tết dương lịch rồi Tết âm lịch, cần tiêu thụ một lượng nông sản khổng lồ, bởi thế mà Hà Nội cần lập vành đai kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ hơn nguồn gốc, chất lượng hàng hóa trong điều kiện phòng, chống và thích ứng sống chung với đại dịch Covid-19. Song song với đó, thực hiện nghiêm việc thanh, kiểm tra đơn ngành, liên ngành để tìm kiếm, xử lý các loại hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm.

Có chính sách hỗ trợ để huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn nhiều hơn. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành có nông sản cung cấp cho Hà Nội để kiểm soát ngay từ đầu quy trình sản xuất trên ruộng đồng, trong chuồng trại cũng như cập nhật, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kết nối, tiêu thụ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.