Chiều 14/11, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), tổ chức WWF-Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ giữa đoàn Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và các đơn vị địa phương nhằm tổng kết thành tựu của dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" (TVA).
Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng lên môi trường, xã hội và trên toàn cầu, Dự án "Huế - Đô thị giảm rác thải nhựa ở miền Trung Việt Nam" (TVA), do WWF Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam và UBND thành phố Huế là cơ quan chủ quản được triển khai thực hiện từ năm 2021-2024.
Một trong những sáng kiến nổi bật trong khuôn khổ dự án là tổ hợp tác thu mua ve chai với các thành viên nữ tại phường An Đông (phụ trách thu gom khu vực Nam sông Hương) và phường Hương Sơ (phụ trách thu gom khu vực Bắc sông Hương), được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và hỗ trợ của dự án. Nhóm phụ nữ ve chai phường An Đông đã thu mua hơn 50 tấn rác tái chế và 10,2 tấn rác nhựa tái chế.
Tại buổi gặp mặt, các thành viên trong hợp tác xã thu mua ve chai phường An Đông bày tỏ lòng cảm kích khi chia sẻ với bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam về những ý nghĩa tích cực mà hoạt động này mang lại.
"Trước đây, công việc của chúng tôi chưa được coi trọng và đánh giá cao. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, động viên của các cấp, các ngành, Đại sứ quán Na Uy, tổ chức WWF-Việt Nam trong việc hỗ trợ kế sinh nhai, hoạt động thu gom ve chai ngày càng phát triển và chúng tôi thêm tự tin và vui vẻ, để chúng tôi đi ra ngoài không còn bị coi thường".
Các nữ thu mua ve chai cũng cho biết, nhờ có quy trình thu gom và tái chế được thực hiện bài bản, hoạt động có tổ chức, cùng với sự phối hợp của chính quyền địa phương, người dân Huế đã nâng cao ý thức trong việc phân loại rác.
Việc tuyên truyền từ tổ hợp tác đã giúp người dân hiểu rõ sự khác biệt giữa rác có thể tái chế và rác sinh hoạt, góp phần làm cho Huế ngày càng sạch đẹp hơn. Các nữ thu mua ve chai của tổ hợp tác phường An Đông cũng luôn sẵn lòng trở thành tuyên truyền viên trong cộng đồng, hướng dẫn mọi người cách phân loại rác đúng để bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế Đặng Thị Ngọc Lan cảm ơn sự đồng hành chặt chẽ của dự án trong việc theo đuổi sứ mệnh thu gom rác thải, xây dựng thành phố Huế xanh sạch đẹp; giúp cải thiện sinh kế và nâng cao vị thế xã hội cho những người phụ nữ làm nghề ve chai.
Tổ hợp tác thu gom ve chai tại An Đông hoạt động được 2 năm, đa số các thành viên là những lao động tự do, trước đây không có nguồn vốn để phát triển kinh tế một cách độc lập. Công việc thu gom ve chai đã mở ra cơ hội để họ có thu nhập ổn định, đồng thời tạo ra sự kết nối và đồng hành giữa các thành viên trong quá trình làm việc. Nhờ tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên có cơ hội nâng cao nhận thức, đổi mới cách thức làm việc và tự tin hơn trong cuộc sống.
Các thành viên của tổ hợp tác là người dân địa phương, có cả những người làm chủ điểm thu gom tái chế, giúp đảm bảo đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Dù công việc có phần vất vả, sự đoàn kết trong công việc không chỉ mang lại niềm vui và tinh thần gắn kết mà còn giúp các thành viên lạc quan hơn, có thêm động lực trong cuộc sống hàng ngày. Các thành viên luôn sẵn sàng đồng hành cùng dự án để tham gia các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức và hiệu suất trong công việc.
Tổ hợp tác đã kết hợp với ứng mGreen, cho phép người bán ve chai đặt lịch trước qua ứng dụng, giúp tổ hợp tác thu gom rác liên kết với gần 2.000 hộ dân tại Huế và hoàn thành 3.000 giao dịch thu mua thành công. Phần mềm mGreen giúp người thu gom nhận thông tin đơn hàng và lịch trình qua ứng dụng, tạo thuận lợi trong sắp xếp công việc và thanh toán không tiền mặt, mang lại sự tin tưởng và thuận tiện cho cả hai bên.
Dự án TVA/WWF-Việt Nam đã phối hợp với chính quyền thành phố, các sở ban ngành triển khai hoạt, hoạt động tuyên truyền và vận động người dân triển khai phân loại rác thải nhựa, góp phần đem lại thành công cho thu gom rác tại nguồn.
Thành công của Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã chứng minh nỗ lực rất lớn và bền bỉ đến từ phía đội ngũ triển khai dự án cùng sự hỗ trợ, phối kết hợp và chỉ đạo sát sao, kiên trì của các cơ quan chính quyền, sự tham gia đầy đủ nhiệt tình của các đối tác triển khai, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cá nhân tiên phong. Tổ chức WWF-Việt Nam kêu gọi cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp cùng nhau hành động, có thể tạo ra những thay đổi bền vững, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và xây dựng một đô thị xanh - sạch - sáng.