Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thuỷ văn Bến Tre, chiều 2/4, mực nước tại các trạm thuỷ văn đạt cao nhất so với lịch sử cùng kỳ.
Cụ thể, lúc 16 giờ, tại trạm An Thuận là 178cm, tại trạm Bến Trại là 181cm, tại trạm Bình Đại là 178cm. Lúc 17 giờ 30 phút tại trạm Mỹ Hoá là 181cm, tại trạm Chợ Lách là 195cm.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết, đỉnh triều ngày 2/4 cao 2,09m tại Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách). Đỉnh triều trong mùa khô mà cao xấp xỉ đỉnh lũ năm 2024 là 2,23m. Triều cường đã gây tràn và làm sạt lở nhiều tuyền đê trên địa bàn huyện.

Sạt lở đê Phú Hòa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách do triều cường ngày 2/4. Ảnh: BCH PCTT&TKCN huyện Chợ Lách.
Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Triều cường đã gây vỡ đê ấp Thới Định, thị trấn Chợ Lách, dài 5m làm ngập 2,9 ha vườn cây trái. Bên cạnh đó, sạt lở đê Phú Hòa, xã Vĩnh Bình (phía sông Cổ Chiên), dài 20m, đoạn có nguy cơ sạt lở dài 40m, sâu 2m. Triều cường còn gây tràn đê và đường giao thông nông thôn tại các xã Sơn Định, Long Thới khoảng hơn 2km, có nguy cơ vỡ.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách yêu cầu UBND các xã, đơn vị liên quan chủ động kiểm tra tình hình, đồng thời huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại.

Người dân dùng bao đất ngăn nước tràn đê. Ảnh: BCH PCTT&TKCN huyện Chợ Lách.
Đến nay, điểm sạt lở đê ở ấp Thới Định, thị trấn Chợ Lách đã gia cố lại xong, địa phương đang khảo sát, đánh giá thiệt hại. Đối với điểm sạt lở đê Phú Hòa, xã Vĩnh Bình, chính quyền vận động bà con chủ động kê cao tài sản. Đối với việc tràn đê và đường giao thông nông thôn vận động người dân chủ động bơm thoát nước.
Ông Phạm Anh Linh kiến nghị tỉnh hỗ trợ huyện gia cố khẩn cấp điểm sạt lở đê Phú Hòa, xã Vĩnh Bình.