Quá nhiều kẽ hở
Kiên Giang là tỉnh có diện tích lúa lớn nhất ĐBSCL, hàng năm gieo sạ trên 700 ngàn ha lúa, nên lượng lúa giống tiêu thụ rất lớn. Trong khi đó, những tổ chức, đơn vị, sản xuất, kinh doanh lúa giống chính thống, chịu sự quản lý của cơ quan chuyên môn mới chỉ đáp ứng được lượng giống khá khiêm tốn. Phần còn lại là do nông dân tự sản xuất, trao đổi hoặc nguồn giống từ các tỉnh khác mang đến bán.
|
Dùng bao bì trắng hoặc chỉ ghi chung chung là lúa nguyên liệu là chiêu trò của các đơn vị kinh doanh lúa giống |
Bên cạnh những đơn vị làm ăn chân chính, có lương tâm và giữ chữ tín thì còn rất nhiều kẻ nhắm vào nhu cầu, cũng như sự thiếu hiểu biết của nông dân để trục lợi, thậm chí là cố tình tìm những kẽ hở của Pháp lệnh Giống cây trồng nhằm qua mặt cơ quan quản lý.
Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết: “Hiện nay công tác quản lý lúa giống còn nhiều bất cập, quy định chưa chặt chẽ nên dễ bị các DN làm ăn không chân chính lợi dụng”. Theo ông Giàu, qua công tác thanh, kiểm tra, lực lượng thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nhưng rất khó xử lý.
Chẳng hạn, trong kho chứa lúa giống, bên cạnh những bao bì có đủ nhãn mác, có rất nhiều bao lúa chỉ ghi là lúa nguyên liệu. Dù biết đích thị đây là “lúa giống trá hình” nhưng không thể xử phạt vì không có quy định nào bắt buộc phải lưu trữ lúa giống tách biệt với lúa thịt.
Thậm chí, tại các đại lý chuyên bán lúa giống, lúa “nguyên liệu” vẫn để bán chung với lúa giống chính hiệu. “Nếu đoàn thanh, kiểm tra đến làm việc thì họ trả lời đó là lúa để bán cho gà, vịt ăn thì đành chịu thua, chẳng có căn cứ nào xử phạt, dù biết mười mươi đó là lúa giống trôi nổi trên thị trường”, ông Giàu bức xúc.
Kết quả lấy mẫu gửi đị phân tích của Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho ra con số khiến không ít người giật mình, khí có tới gần 50% mẫu lúa giống được kiểm tra không đạt chất lượng. Cụ thể, trong năm 2017, đơn vị thu thập 19 mẫu lúa giống gửi đi phân tích thì có đến 9 mẫu không đạt chất lượng.
Tại nhiều tỉnh, thành khác cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Theo thanh tra Sở NN-PTNT Vĩnh Long, trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Chị cục BVTV tỉnh tổ chức trên 50 đợt thanh kiểm tra các cơ sở làm lúa giống và kinh doanh giống lúa, phát hiện nhiều cơ sở sai phạm về nhãn mác, bản quyền, chất lượng chưa đạt…
Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: “Hiện lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ, mặc dù đã có Pháp lệnh Giống cây trồng. Như vừa rồi có trường hợp Tập đoàn Lộc Trời khiếu nại về những đơn vị khác vi phạm bản quyền giống lúa OM 5451, Sở đã cử Thanh tra và Chi cục BVTV xuống địa bàn xác minh vụ việc, làm rõ một số vấn đề của các cơ sở làm lúa giống và xử lý theo luật bản quyền”.
Cụ thể, qua thanh kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở làm sai quy định về nhãn mác như bao bì chỉ ghi 5451 thay vì phải ghi nhãn đầy đủ là OM 5451 hoặc là ghi nhãn là giống lúa khác nhưng thực chất là OM 5451... Sở đã mời các cơ sở này lên làm việc, nhắc nhở giáo dục.
Lợi dụng cả chính sánh
Không chỉ buôn bán lúa giống trôi nổi, lách luật để thu lợi bất chính, có nhiều DN, đơn vị lợi dụng cả chính sách liên kết, tiêu thụ lúa gạo của Chính phủ; mô hình xây dựng, phát triển cánh đồng lớn để tuồn lúa giống kém chất lượng cho nông dân gieo trồng.
Đoàn liên ngành kiểm tra kho chứa lúa giống của một doanh nghiệp, phát hiện “lúa nguyên liệu” để lẫn với lúa giống có bao bì |
Ông Hứa Sung Kỵ, Phó Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, thời gian qua đơn vị nhận được khá nhiều đơn khiếu nại của nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thị lúa gạo gặp trục trặc, mà phần lớn liên quan đến chất lượng lúa giống.
Theo ông Kỵ, nhiều đơn vị đã lợi dụng kẽ hở này khi triển khai sản xuất, họ làm cách nào đó buộc nông dân làm giấy đề nghị “DN cung cấp lúa nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm”, mà giá cung cấp lên tới 12.000 – 13.000 đồng/kg, tương đương với giá lúa giống cùng loại, chứ không rẻ.
Đến khi có sự cố như lúa nảy mầm kém, lúa 2, 3 tầng nông dân thưa kiện cũng thua vì đó chỉ là lúa nguyên liệu, đâu phải lúa giống mà đem gieo sạ, nếu có thiệt hại thì ráng chịu. Điều đáng nói là tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, tại Kiên Giang nông dân các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận... đã “ăn phải trái đắng” kiểu này.
Qua tìm hiểu được biết, phần lớn các DN làm ăn gian dối thường không thông qua ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, mà thường trực tiếp làm với nông dân, không có hợp đồng kinh tế, có sự tham gia của “4 nhà”, có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước.
“Do giá cả nông sản bấp bênh nên nông dân thấy có ký hợp đồng bao tiêu là vội ký, thậm chí nhiều nông dân không phân biệt được lúa giống có phẩm cấp khác với lúa nguyên liệu nên ký đại. Đến khi có sự cố cơ quan quản lý rất khó can thiệp, hoặc không thể can thiệp vì không có cơ sở pháp lý”, ông Kỵ nói.
Khi gặp những trường hợp như vậy, nông dân thường ngậm bồ hòn làm ngọt. Anh Nguyễn Nhi Phương, ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) bức xúc: "Vụ rồi, tôi có mua lúa giống của Cty ĐN về sạ. Trên vỏ bao ghi "giống xác nhận”. Nhưng khi sạ thì tôi phát hiện lúa lẫn giống khác. Thương lái vào mua lúa thịt phát hiện lẫn giống nên mua giá thấp. Thậm chí có trường hợp thương lái còn không mua”.