| Hotline: 0983.970.780

Nhiễu loạn lúa giống tại ĐBSCL do quản lý lỏng lẻo

Thứ Hai 04/06/2018 , 13:45 (GMT+7)

Hiện nay ở ĐBSCL chỉ có 10-20% sản lượng lúa giống được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường.

* Làm giống lúa quá dễ dãi

Đó là lượng giống do các cơ quan nghiên cứu chính thống, trung tâm giống các tỉnh, TP và một số DN chuyên làm giống SX ra. Còn lại là giống trôi nổi do các tổ chức, nông hộ tự để giống, trao đổi với nhau không qua kiểm nghiệm.

16-01-01_nh_1
Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ NN-PTNT, Bộ Công an phát hiện nhiều cơ sở SXKD lúa giống sai phạm ở Đồng Tháp

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, đa số nông dân đều có nhu cầu sử dụng giống lúa xác nhận, tình trạng nông dân lấy lúa lương thực làm giống ngày càng giảm, nhưng chưa phải đã hết. Vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan ngành NN- PTNT là quản lý chất lượng giống như thế nào cho hiệu quả.

Thông thường cứ vào đầu vụ SX, các cơ quan thanh kiểm tra đến các DN, đại lý tiêu thụ lúa giống kiểm tra các quy định về hành chính, lấy mẫu gửi đến các phòng thử nghiệm được chỉ định để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng giống theo quy định của Bộ NN-PTNT như độ ẩm, hạt khác giống, lúa cỏ, tỉ lệ nảy mầm…

Việc xử lý vi phạm về quản lý chất lượng giống lúa cũng chỉ tập trung vào kết quả “thử nghiệm” các mẫu lô giống nên chưa đủ sức răn đe các đơn vị SXKD giống không tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý chất lượng giống.

Ông Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt- BVTV An Giang) cho biết, hiện nay việc kiểm tra và quản lý chất lượng lúa giống vô cùng khó khăn, bởi vì trên địa bàn tỉnh có hàng chục Cty đăng ký kinh doanh lúa giống. Khi đến kiểm tra DN thì vùng nguyên liệu SX lúa giống không nằm trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh, nhà kho cũng ở tỉnh khác. 

16-01-01_nh_2
Tháng 3/2018, Công an TP Cần Thơ từng bắt giữ kho lúa giống "ăn cắp" các thương hiệu lúa giống nổi tiếng của Cty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát

Cho nên vấn đề này cần sự hỗ trợ của từ thanh tra Bộ NN-PTNT mới có thẩm quyền quản lý trên phạm vi toàn quốc DN đó. Một Cty kinh doanh lúa giống chất lượng cao tại An Giang nhận định, hiện nay ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh có phòng kiểm nghiệm, kiểm định lúa giống là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trong kiểm định, do không có phương tiện cũng như nhân lực nên các đơn vị SXKD giống phải tự thuê mướn những tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định. Chính vì còn ít trung tâm kiểm nghiệm nên việc quản lý chưa chặt chẽ.

Trong khi số cơ sở kinh doanh lúa giống quá nhiều, lúa giống kém chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Đơn cử riêng địa bàn An Giang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh lúa giống có uy tín, còn lại là hàng trăm cơ sở hoặc tổ hợp tác SX lúa giống làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” làm thị trường lúa giống bát nháo mỗi khi sắp vào vụ gieo sạ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty Giống cây trồng Đồng Tháp bức xúc: Cần kiểm tra việc thành lập các cơ sở SXKD giống lúa, việc bố trí nhân sự là cán bộ kỹ thuật SX giống. Việc quản lý chất lượng giống phải đáp ứng đúng quy định ngành trồng trọt, không ký hợp đồng hình thức để đủ thủ tục. Rất nhiều cơ sở làm giống không có nhân viên kỹ thuật, kiểm định chiếu lệ ruộng giống hoặc mua lúa thịt đóng bao bán lúa giống, giá bán rất thấp nhưng vẫn có lãi cao.

Theo ông Hồng, các đoàn nên thường xuyên kiểm tra nguồn gốc các lô giống của các DN, cơ sở SXKD giống thông qua các thủ tục cần thiết như: Hợp đồng SX giống lúa với nông hộ, THT, HTX; các biên bản kiểm định ruộng giống trong từng vụ, thông báo công bố hợp quy.

16-01-01_nh_3
Cty TNHH Thiện Phát làm giả thương hiệu lúa giống Đài Thơm 8
“Việc kiểm tra, quản lý chất lượng giống lúa trên thị trường cần thực hiện nghiêm theo Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền giống. Nhà nước cũng cần điểu chỉnh các chính sách, quy định về việc phân chia vùng sinh thái để khảo nghiệm, SX giống lúa cho phù hợp. Ngành Nông nghiệp không nên phân chia vùng để kinh doanh giống lúa, như vậy sẽ trở lại tư duy thời bao cấp, là “ngăn sông cấm chợ”. Hiện nay đã có tình trạng các đơn vị SXKD giống lúa đáp ứng đủ thủ tục SX, quản lý chất lượng giống được tiêu thụ ở vùng ĐBSCL mà không được tiêu thụ ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên hoặc ngược lại”, ông Hồng nói.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.