| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền xã “ăn” phân bón, cây giống?!

Thứ Năm 07/08/2014 , 10:15 (GMT+7)

Đến thời điểm tháng 7/2014, một số hộ dân của xã Việt Tiến (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) mới được chính quyền địa phương này trả số tiền hỗ trợ cây giống ớt trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, vụ đông 2013.

Theo những hộ dân này, họ không kí bất kì một giấy tờ nào về việc cấp phát kinh phí, toàn bộ chữ kí của người dân là giả mạo.

Không chỉ có vậy, nhiều diện tích trồng ớt còn bị lãnh đạo địa phương khai khống nhằm chiếm đoạt tiền từ ngân sách. Có những hộ nhiều năm nay không cấy cày gì vẫn có tên trong danh sách được hỗ trợ trồng ớt.

Bất ngờ vì... được hỗ trợ

Ngày 21/8/2013, UBND TP Hải Phòng ra quyết định số 1597 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn 2013”.

Tại xã Việt Tiến của huyện Vĩnh Bảo, dự kiến sẽ xây dựng mô hình trồng ớt với diện tích 30ha. Kinh phí hỗ trợ bao gồm 100% cây giống là 500.000 đồng/sào, hỗ trợ phân bón các loại 214.400 đồng/sào. Tổng cộng 714.400 đồng/sào.

Theo báo cáo của UBND xã Việt Tiến, vụ đông 2013, địa phương có 15,8ha trồng ớt được hỗ trợ. Đến cuối thời điểm năm 2013, địa phương đã hoàn thành công tác giải ngân tiền hỗ trợ phân bón, giống ớt với số tiền 329 triệu đồng cho 287 hộ.

Ngày 16/1/2014, UBND xã Việt Tiến báo cáo trước HĐND xã về các khoản thu chi ngân sách trong năm 2013. Lúc này, người dân ngã ngửa rằng mình được hỗ trợ và… đã kí tên vào danh sách cấp kinh phí.

18-02-08_2
Bà Trần Thị Điệu, 67 tuổi, bị mù không làm ruộng nhưng vẫn nằm trong danh sách hỗ trợ 2,7 sào ớt

Đầu tháng 7/2014, ông Nguyễn Văn Vui, trưởng thôn 9 đã làm đơn tố cáo việc làm trên lên UBND TP Hải Phòng. Theo ông Vui, xã Việt Tiến đã gom cả những hộ trồng ớt trước khi có quyết định hỗ trợ vào mô hình.

“Tôi khẳng định việc khai khống diện tích phải có sự chỉ đạo từ xã đến thôn, trưởng thôn không thể tự ý làm việc này. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ trắng đen, trả lại tiền hỗ trợ cho người dân. Việc xã đưa Cty xuống xin tiền người dân là không thể chấp nhận được” – ông Phạm Văn Khới, Bí thư Chi bộ thôn 7.

Rất nhiều lần, các hộ dân lên UBND xã kiến nghị xã giải quyết số tiền hỗ trợ nhưng lãnh đạo xã khất lần. Người dân tố lãnh đạo xã giả mạo chữ kí của họ để rút tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Liểu, thôn 7, cho biết, vụ đông 2013 nhà ông trồng 4 sào ớt. Hộ ông Liểu sau khi trồng xong mới nhận được thông tin thành phố hỗ trợ kinh phí SX. Sau đó, gia đình ông vẫn được cấp số phân bón đúng theo quyết định của TP Hải Phòng.

Còn tiền hỗ trợ cây giống thì hoàn toàn không nhận được. Ông Liểu nói, trước đấy, ông chưa hề kí vào bất kì biên bản nào nhận kinh phí hỗ trợ giống. Bà Ngô Thanh Yểng (SN 1936), cùng thôn 7 thì cho biết, hai vợ chồng bà do tuổi cao, sức yếu, đã thôi làm nông nghiệp 2 năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Việt Tiến, hộ nhà bà Yểng trong vụ đông 2013 vẫn trồng ớt với diện tích 2,5 sào. Gia đình bà hết sức bất ngờ khi thấy tên mình trong danh sách hỗ trợ, đặc biệt đã kí tên nhận tiền.

18-02-08_1
Người dân cho rằng, chữ kí của họ hoàn toàn bị giả mạo

Ông Đước, chồng bà khẳng định, gia đình có 2 sào ruộng nhưng nằm ở khu đất trũng, cấy lúa còn khó chứ đừng nói gì đến trồng ớt.

Chúng tôi tiếp tục đến hộ gia đình bà Trần Thị Điệu, 67 tuổi, cùng thôn 7, mà theo UBND xã Việt Tiến, hộ này được hỗ trợ để trồng 2,7 sào ớt. Bà Điệu bị mù, chồng bà là ông Tuân sức khỏe cũng yếu, chỉ quanh quẩn ở nhà. “Nhà tôi từ xưa đến nay đã trồng ớt bao giờ đâu. Làm gì có chuyện được hỗ trợ trồng ớt chứ, già yếu như vợ chồng tôi thì trồng làm sao được”, bà Điệu khẳng định.

Tại cuộc họp Chi bộ thôn 7 ngày 27/7, trưởng thôn thừa nhận diện tích trồng ớt đã bị khai khống thêm 54 sào. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Khới - Bí thư Chi bộ thôn, diện tích trồng ớt bị khai khống lên tới 70 sào.

Vì theo báo cáo của UBND Việt Tiến, tổng diện tích trồng ớt của thôn 7 là 180 sào nhưng trên thực tế, người dân thôn 7 chỉ trồng có 110 sào. Số tiền bị kê khống thêm tương đương là 50 triệu đồng. Cùng với đó, lượng phân bón khống kèm theo cũng được vị trưởng thôn 7 nhận về.

Theo người dân ở các thôn, lãnh đạo xã Việt Tiến hợp đồng mua giống ớt với một mức giá quá cao là 500 đồng/cây, tương đương 500.000 đồng/sào. Tại thời điểm đó, giá ớt giống tại các đại lý ở Hải Phòng chỉ là 200 đồng/cây. Nếu như mua với số lượng lớn giá chỉ khoảng 160 đồng/cây.

Đến nay, lượng phân này nằm ở đâu không ai rõ. Còn tại thôn 8, người dân cũng bất ngờ không kém vì thông tin được hỗ trợ và đã kí nhận kinh phí.

Vừa trả vừa “xin”

Ngày 6/7/2014, ông Vương Văn Đẩu, Chủ nhiệm HTXNN Việt Tiến, trực tiếp cầm tiền xuống trả cho 23 hộ trồng ớt của thôn 9 với số tiền là 15.983.000 đồng, mức giá 500.000 đồng/sào. Còn tại thôn 7, ông Phạm Văn Khới, Bí thư Chi bộ cho biết, các hộ dân mới nhận được mức tiền 200.000 đồng/sào.

Trước đó, lãnh đạo xã gồm ông Lê Minh Châu – Chủ tịch UBND xã, ông Đặng Văn Yêu – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Vương Văn Đẩu – Chủ nhiệm HTXNN cùng một Cty giống xuống thương lượng với người dân. Ông Khới cho biết, vị Giám đốc Cty giống tên Họa đứng ra “xin” người dân 300 nghìn đồng/sào, nghĩa là chỉ chi trả cho người dân 200.000 đồng/sào.

18-02-08_4
Ông Vương Văn Đẩu, Chủ nhiệm HTXNN Việt Tiến kí nhận việc trả lại tiền cho 23 hộ trồng ớt của thôn 9

Sau buổi làm việc kể trên, người dân tạm chấp nhận mức hỗ trợ 200.000 đồng/sào. Những ngày qua, các hộ dân thôn 7 vẫn tiếp tục kiến nghị UBND xã trả nốt số tiền hỗ trợ còn thiếu. Những thôn còn lại là thôn 5, 8 chưa hề nhận được tiền hỗ trợ kinh phí giống ớt từ UBND xã.

Ngày 30/7, PV đến trụ sở UBND xã Việt Tiến để liên hệ làm việc nhưng cửa phòng ông Chủ tịch xã Lê Minh Châu luôn trong tình trạng khóa trái. Ông Đặng Văn Yêu, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết, đã nhận được đơn kiến nghị của người dân về vấn đề trên.

Tuy nhiên, xã vẫn đang chờ đoàn thanh tra của huyện về xác minh nên chưa rõ. Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến, ông Nguyễn Văn Nền thì cho biết, mới nắm được khiếm khuyết ở chỗ cấp giống không đều, còn cụ thể chưa nắm được.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Chủ tịch HĐND xã Việt Tiến nêu quan điểm: "Ai làm sai người đó phải chịu. Chúng tôi đang chờ đoàn thanh tra huyện xuống xác minh, làm rõ”.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.