| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ lập đoàn đàm phán với Hoa Kỳ

Thứ Sáu 11/04/2025 , 07:16 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với Hoa Kỳ trong ngày 11/4, nhằm bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích các bên.

Chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ chiều ngày 10/4. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ chiều ngày 10/4. Ảnh: Nhật Bắc.

Hoa Kỳ đồng ý bước vào đàm phán

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội, coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán đúng thời điểm.

Việc Hoa Kỳ đồng ý bước vào đàm phán một thỏa thuận thương mại đối ứng với Việt Nam sau Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là kết quả bước đầu của nỗ lực ngoại giao kinh tế chủ động, linh hoạt của Việt Nam, nhằm giảm thâm hụt thương mại, hướng tới cân bằng bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo rõ ràng, công tác đàm phán cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, không để ảnh hưởng tới 17 FTA mà Việt Nam đã ký với hơn 60 thị trường toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, bền vững và bao trùm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, và nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu trong ngày 11/4, thành lập đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.

Ba trụ cột chính sách được nhấn mạnh

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung đồng bộ các giải pháp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đặc biệt là nợ công, bội chi ngân sách. Các gói tín dụng ưu đãi – như gói 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và khoa học công nghệ – cần được triển khai mạnh mẽ, linh hoạt, tạo động lực tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với Hoa Kỳ ngay trong ngày 11/4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với Hoa Kỳ ngay trong ngày 11/4.

Trong chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn, miễn, giảm thuế cần được rà soát và triển khai ngay nếu thuộc thẩm quyền; đồng thời nhanh chóng trình Quốc hội thông qua các chính sách cần thiết. Việc hoàn thuế VAT, cắt giảm thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng ưu đãi phí, lệ phí và tiền thuê đất – nhất là đối với nông dân, doanh nghiệp nhỏ – được yêu cầu thực hiện quyết liệt, kịp thời.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại sẽ được đẩy mạnh khai thác hiệu quả 17 FTA đã có, đồng thời mở rộng thêm các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Nam Mỹ… Đặc biệt, trong đàm phán với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ tích cực trao đổi các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ, và các hàng rào phi thuế quan.

Giữ mục tiêu năm 2025 bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát đối tượng bị ảnh hưởng – đặc biệt là các ngành dệt may, da giày, gỗ, thủy sản – để có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Việc này cần được thiết kế có trọng tâm, xác định rõ phạm vi, mức độ và nguồn lực, nhằm không để xảy ra thất nghiệp trên diện rộng, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao nhiệm vụ hỗ trợ công nhân, đoàn viên công đoàn trong các ngành bị tác động mạnh. Song song, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã và phát triển thị trường mới. Chính phủ cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thị trường, pháp lý và công nghệ.

Một trong những điểm nhấn trong chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh, và bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh triển khai "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" và Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật đang là rào cản cho sản xuất – kinh doanh, đề xuất sửa đổi linh hoạt với phương châm “một luật sửa nhiều luật”. Việc này cần thực hiện song song với rà soát toàn diện hệ thống luật liên quan đến kinh tế đối ngoại.

Xem thêm
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII

Chiều 12/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm.