
Các dự án kè bờ sông Hồng ở tỉnh Yên Bái đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Thanh Tiến.
Người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng
Dọc theo những khúc sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), không khí làm việc đang trở nên khẩn trương hơn. Những chiếc máy xúc, máy ủi hoạt động hết công suất, từng tốp công nhân miệt mài thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kè bờ sông Hồng, bảo vệ an toàn cho người dân và giảm thiểu tối đa thiệt hại do sạt lở trong mùa mưa lũ.
Ông Đoàn Văn Chuân, Tổ trưởng tổ dân phố 11, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cho biết, vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, lũ trên sông Hồng thường dâng cao, chảy xiết. Gần 40 hộ dân trong tổ dân phố sống ven sông luôn thấp thỏm, lo lắng về tình trạng lũ lụt gây sạt lở, gây thiệt hại nhà ở, đất đai và tài sản.

Máy móc, thiết bị hoạt động hết công suất để công trình kịp ứng phó với mùa lũ sắp tới. Ảnh: Thanh Ngà.
Hiện nay, dự án kè đang được triển khai, bà con rất phấn khởi và đồng thuận, khi hoàn thành công trình này không chỉ đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng, tài sản mà còn cải thiện cảnh quan. Vì vậy, dù chưa nhận tiền hỗ trợ đền bù các loại cây trồng, nhưng nhiều hộ dân đã chủ động thu hoạch nông sản, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Theo anh Đỗ Ngọc Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lương Gia, Công ty đang thực hiện 2 gói thầu thi công kè sông Hồng ở thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên). Thời gian thi công theo hợp đồng là 2 năm. Công ty đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị tập trung thi công khi thời tiết thuận lợi, nước sông đang ở mức thấp, phấn đấu đạt khối lượng móng vượt lũ trước ngày 15/5/2025.
Tình trạng sạt lở bờ sông Hồng khu vực cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) đã kéo dài trong nhiều năm qua. Nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết trong mùa mưa lũ và tình trạng khai thác cát sỏi đã gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn bờ sông.
Theo ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, tình trạng sạt lở gây thiệt hại đất nông nghiệp, đất ở và đường dân sinh. Đoạn sạt lở bờ sông Hồng dài khoảng 600m, chiều sâu vào đất liền có chỗ tới vài chục mét, diện tích đã bị sạt xuống sông trên 2,5 ha. Đặc biệt, có 5 hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở, trong đó 2 hộ đã phải di dời đi nơi khác; hơn 100m đường bê tông liên thôn đã bị đứt gãy, sạt lở xuống lòng sông.

Việc giải phóng mặt bằng được người dân đồng thuận cao. Ảnh: Thanh Tiến.
Chính quyền và người dân trong xã rất phấn khởi khi dự án kè sông được triển khai xây dựng. Khi hoàn thành sẽ khắc phục được tình trạng sạt lở, người dân có nơi ở an toàn, yên tâm lao động sản xuất.
Hiện nay, một số hạng mục như móng, thân và mái kè… cần đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa lũ năm 2025 để tránh thiệt hại. Chính quyền xã đã vận động các hộ dân tự nguyện thu dọn công trình, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, bàn giao mặt bằng sớm nhất cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ.
Nỗ lực thi công vượt tiến độ, tránh thiệt hại trong mùa lũ
Để giảm thiểu tác động của thiên tai, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2020-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái được Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh Yên Bái giao thực hiện 12 dự án khắc phục hậu quả bão lũ và phòng chống thiên tai. Trong đó, đầu tư xây dựng trên 20km kè sông, suối, đặc biệt là sông Hồng, suối Thia và suối Nậm Kim; nâng cấp, sửa chữa 16 công trình hồ chứa, 14 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do thiên tai.

Các công trình kè sông vừa có tác dụng đảm bảo an toàn cho người dân, chống sạt lở, vừa tạo cảnh quan. Ảnh: Thanh Ngà.
Đến nay đã hoàn thành 10 dự án, phát huy hiệu quả, góp phần ổn định bờ sông, bảo vệ an toàn cho người dân trong các đợt mưa lũ. Các công trình hoàn thành đã ngăn ngừa tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối, chỉnh trị kiểm soát dòng chảy, điều tiết, nâng cao khả năng phòng lũ cho các hồ chứa. Đồng thời, giữ ổn định nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Kim Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái cho biết thêm, đơn vị đang triển khai thực hiện 2 dự án kè sông Hồng ở Yên Bái có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo vượt lũ tiểu mãn và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2025. Các dự án trên đều được triển khai đảm bảo tiến độ, trong đó dự án kè chống sạt lở và phát triển cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hồng phấn đấu thi công vượt tiến độ 1 năm so với hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện các công trình còn gặp một số khó khăn do biến đổi khí hậu, điều kiện thủy văn của sông Hồng có diễn biến bất thường, quy luật thủy văn, dòng chảy thay đổi so với trung bình nhiều năm, lũ thường xuất hiện sớm hơn, mực nước cao hơn và duy trì với thời gian dài dẫn đến khó khăn cho điều kiện thi công.

Mùa mưa lũ đang đến gần, những "lá chắn" vững chắc sẽ bảo vệ cho làng mạc ven sông. Ảnh: Thanh Tiến.
Đặc biệt, cơn bão Yagi năm 2024 đã gây ngập lụt, sạt lở tại các địa phương triển khai dự án, gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị thi công. Các công trình kè sông Hồng là các công trình theo tuyến, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, trong khi nhân lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương còn thiếu. Ngoài ra tình trạng khan hiếm và các biến động về giá nguyên, vật liệu cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi triển khai dự án.
Theo ông Thắng, để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn và tránh thiệt hại trong mùa lũ 2025, Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ chi tiết đến từng hạng mục công việc. Xác định rõ các mốc thời gian, khối lượng công việc cần phải thực hiện để đảm bảo vượt lũ, từ đó xác định nguồn lực, khả năng huy động máy móc, nhân lực thi công…
Thường xuyên cử cán bộ bám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời điều chỉnh tiến độ đối với các hạng mục công việc khi có nguy cơ chậm. Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, phòng chống thiên tai.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các đơn vị thi công, những đoạn kè kiên cố sẽ sớm hoàn thành, tạo thành “lá chắn” vững chắc bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân ven sông Hồng trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ sắp tới.