Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa trực tiếp ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ: Qua gần 40 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã có các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kĩ thuật - thương mại mới, Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Chính phủ dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, các chính sách phải không chỉ bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ mà còn phải tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi giá trị nội địa và công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, việc đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư cũng được xem là chìa khóa để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, sản xuất hydro và ammonia xanh có giá trị cạnh tranh.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan rà soát và cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, đề cao việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi đây là động lực chính để phát triển nền kinh tế bền vững. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách thuế phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững; nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế...
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thể chế quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, trước mắt tập trung vào quy tắc đạo đức, khung quản trị, quản lý rủi ro, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI.
Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng,… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế...
Công điện 103/CĐ-TTg được ban hành trên cơ sở đề nghị của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tại báo cáo Niềm tin kinh doanh được công bố mới đây.
Trong báo cáo này, Ban IV cho biết, còn tới 60% doanh nghiệp vẫn còn đánh giá kém tích cực về tình hình kinh tế hiện tại. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân thể hiện rõ sự “hụt hơi” so với các khu vực khác.
Dù các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, cơ cấu nợ đã phát huy tác dụng, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các thách thức bao gồm thiếu đơn hàng (56,1%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%) và thủ tục hành chính (44,4%).
Đặc biệt, có tới 68,5% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này cho thấy sức mạnh nội tại của DN đã bị bào mòn nghiêm trọng sau giai đoạn COVID-19 và lạm phát kéo dài...