| Hotline: 0983.970.780

Sau bão số 6, nhiều hộ nuôi tôm tại Quảng Trị trắng tay

Thứ Ba 29/10/2024 , 11:21 (GMT+7)

Mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 khiến nước tại các khu vực nuôi tôm của người dân Quảng Trị dâng cao đột ngột. Hàng trăm ha tôm phục vụ tết mất trắng.

Bất lực nhìn tôm trôi ra biển

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho hay, khoảng cuối buổi sáng ngày 27/10, nước dọc các sông Sa Lung, Hiền Lương, Bến Hải đột ngột lên cao do các hồ đập ở phía thượng nguồn xả nước.

Những hộ nuôi tôm dọc sông dùng lưới che chắn, gia cố bờ nhưng không cầm cự được lâu. Nước tràn qua các hồ nuôi, người dân chỉ biết đứng nhìn tôm trôi ra biển. Những hồ nuôi ở cao hơn cũng lần lượt bị nước nhấn chìm trong sự bất lực.

Sau bão số 6, nước rút chậm, nhiều hồ nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn vẫn còn bị ngập. Ảnh: Võ Dũng.

Sau bão số 6, nước rút chậm, nhiều hồ nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn vẫn còn bị ngập. Ảnh: Võ Dũng.

Sau 2 ngày quần thảo với các hồ tôm, chống chọi với mưa lũ, ôm Trần Lưu, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn nằm đắp chăn không gượng dậy được. Năm nay, gia đình ông thả nuôi 10 hồ với tổng diện tích 4 ha tôm. Đến thời điểm này, một số hồ nuôi đã được 1,5 tháng, 1 số hồ được gần 1 tháng. Tôm nuôi đã kéo về size 70-80 con/kg, bình thường ông đã bắt đầu tỉa thưa bán. Nhưng năm nay, ông Lưu cố kéo tôm nuôi về size 30-35 con để bán vào dịp tết với hi vọng được mùa, được giá.

Bài liên quan

Theo tính toán của ông Lưu, nếu suôn sẻ, để đến cuối năm, gia đình ông sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ khoảng vài ba giờ đồng hồ, nước dọc sông Sa Lung lên đột ngột cuốn trôi tất cả. Thiệt hại ban đầu từ giống, thức ăn, công chăm sóc ước tính khoảng 300 triệu đồng.

“Nước bắt đầu lên nhanh vào cuối buổi sáng thì đến khoảng 7 giờ tối đã nhấn chìm tất cả. Không chỉ gia đình tôi mà gần như tất cả các hộ nuôi tôm ở đây đều mất trắng. Hộ nào có nhiều nhân lực thì tranh thủ ra hồ dùng chài đánh bắt nhưng cũng chỉ được vài chục kg đem ra đường lớn bán vớt vát được ít đồng”, ông Lưu buồn bã.

Ông Trần Văn Dụng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn cho hay, HTX có gần 200 hộ nuôi tôm với tổng diện tích gần 80 ha. Toàn bộ diện tích nuôi này đều nhắm vào thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định, tôm nuôi của xã viên HTX đã trôi ra biển hết. Người nuôi tôm mấy năm nay đã thiệt hại nhiều do môi trường nước sông Sa Lung bị ô nhiễm, nay lại gặp thiên tai. Nhiều hộ sẽ không thể gượng dậy nổi.

Nước rút nhưng máy móc đã hỏng hóc. Ảnh: Võ Dũng.

Nước rút nhưng máy móc đã hỏng hóc. Ảnh: Võ Dũng.

“Năm nay, môi trường sông Sa Lung ổn định hơn nên người dân tập trung thả nuôi nhưng mất trắng rồi. Những tưởng tết nay sẽ vớt vát được ít đồng, bù vào thiệt hại những năm qua thì nay lại gặp mưa lũ. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ để sau đợt lũ có thể tái thả nuôi”, ông Dụng chia sẻ.

Theo người nuôi tôm thôn Phan Hiền, hiện tại ngoài nguồn vốn khó khăn để tái thả thì nếu nước rút chậm sẽ kéo dài thời gian vệ sinh ao hồ, lấy nước mặn vào ao nuôi xử lý. Vì vậy, người nuôi tôm chỉ cầu mong trời ngừng mưa để nhanh chóng chuẩn bị cho đợt thả nuôi mới.

 

“Nước vẫn còn ngập các hồ nuôi. Máy quạt nước, thức ăn bị nhấn chìm, sẽ phải sửa chữa mới sử dụng được. Mong trời đừng mưa nữa. Nước rút nhanh thì sẽ còn kịp chuẩn bị cho vụ tôm tết. Cứ cho là giữ tháng 11 sẽ vệ sinh xong, lấy nước vào xử lý thì vẫn có thể nuôi tôm được 2 tháng tuổi và sẽ đủ thời gian để con tôm phát triển phục vụ thị trường”, ông Trần Lưu hi vọng.

Sẽ rất rủi ro nếu vội tái thả

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn chịu thiệt hại lớn nhất sau hoàn lưu bão số 6. Theo thống kê, tổng diện tích tôm thiệt hại trên 70% tại Vĩnh Sơn gần 170 ha. Ngoài ra còn một số diện tích nuôi cá cũng mất trắng.

Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay, năm nay, người nuôi tôm rất kỳ vọng vào thị trường tết nên đầu tư bài bản, thả nuôi với diện tích lớn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão số 6, nước trên các hệ thống sông lên quá nhanh nên người dân không kịp trở tay. Những ngày qua, người dân dùng chài để đánh bắt tôm đem đi bán. Tuy nhiên, mỗi hộ cũng chỉ vớt vát được 5-10 kg tôm, hộ nhiều nhất được vài chục kg. Tôm đang còn nhỏ nên giá bán cũng không được cao.

Nhiều hồ tôm mất trắng sau bão số 6. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều hồ tôm mất trắng sau bão số 6. Ảnh: Võ Dũng.

“Đợt lũ này nước lên cao hơn cả năm 2020 nhưng rất đột ngột nên người dân không kịp phản ứng. Thiệt hại là rất lớn do năm nay người dân thả nuôi nhiều, tôm đã kéo về saize 70-80 con/kg. Đa phần người dân có tâm lý để bán dịp tết nên không tỉa thưa bán dần. Vì thế, thiệt hại lại càng lớn hơn”, ông Dũng cho hay.

Hiện nay, tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, mưa đã ngớt và nước trong các khu dân cư, các khu nuôi tôm đang rút chậm. Tuy nhiên, với thông tin trời đang tiếp tục có những đợt mưa tiếp theo thì cả chính quyền và người dân đều đang rất lo lắng.

Theo thông kê, tính đến thời điểm trước bão số 6, Quảng Trị có gần 2,3 nghìn ha nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch. Trong đó, nuôi trồng thủy sản mặn lợ trên 600 ha; nuôi trồng thủy sản nước ngọt gần 1,7 nghìn ha.

Sau bão số 6, mưa lớn trên diện rộng, nước các hệ thống sông lên nhanh đã khiến gần 700 ha nuôi trồng thủy sản tại địa phương bị thiệt hại trên 70%. Trong đó, nặng nhất là huyện Vĩnh Linh với gần 600 ha; Gio Linh 72 ha; Triệu Phong trên 15 ha...

Nhiều hộ nuôi tôm sẽ khó gượng dậy. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều hộ nuôi tôm sẽ khó gượng dậy. Ảnh: Võ Dũng.

Tại huyện Vĩnh Linh, các xã bị thiệt hại lớn nhất như Vĩnh Sơn gần 170 ha và 25 ha cá; xã Hiền Thành 72ha tôm và gần 15 ha cá...

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, hiện nay các địa phương đang tiếp tục thông kê thiệt hại. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp mới đề xuất, tham mưu hướng khắc phục, hỗ trợ người dân theo quy định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vinh, việc tái thả nuôi ngay sau lũ sẽ rất rủi ro. Thứ nhất, hệ thống ao hồ phải được vệ sinh, gia cố đảm bảo, máy móc phải được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa do bị ngập sâu. Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị sẽ có kế hoạch để đồng hành cùng người dân. Bên cạnh đó, nước ngọt đã bão hòa và phải sau Tết Nguyên đán mới đủ nguồn lấy vào các hồ nuôi.

Không chỉ tôm, các hồ nuôi cá cũng bị thiệt hại. Ảnh: Võ Dũng.

Không chỉ tôm, các hồ nuôi cá cũng bị thiệt hại. Ảnh: Võ Dũng.

“Người dân hi vọng sẽ thả tiếp 1 đợt phụ vụ thị trường tết nhưng sẽ rất khó và rủi ro rất cao. Theo kinh nghiệm của tôi thì phải sau Tết Nguyên Đán nước mặn mới dâng lên dọc các sông Sa Lung, Bến Hải, Hiền Lương đủ để lấy vào các hồ nuôi. Vì vậy, sau bão, người dân nên chuẩn bị ao nuôi thật tốt để đón vụ nuôi ngay sau Tết Nguyên đán. Nếu vội tái thả thì nguy cơ thất bát là điều được dự báo trước”, ông Vinh chia sẻ.

Từ sáng 29/10, mưa tại Quảng Trị cơ bản chỉ còn những đợt nhỏ. Đến 7 giờ sáng, tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi tại Quảng Trị cấp tỉnh quản lý đạt gần 98%; hồ chứa thủy lợi - thủy điện đạt gần 62% so với dung tích thiết kế. Nếu trời tiếp tục mưa lớn như những ngày qua thì nhiều vùng hạ lưu, vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục chìm trong biển nước.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.