| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/07/2024 , 06:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:30 - 10/07/2024

Chợ nổi miền Tây không còn 'chợ' làm sao 'nổi'?

Chợ nổi miền Tây được xem như một sản phẩm du lịch độc đáo, nhưng đang dần phai nhạt bản sắc vì ngày càng vắng bóng thương hồ mua bán nông sản.

Chợ nổi miền Tây là một đặc trưng của sông nước Nam bộ. Thế nhưng, sau khi chợ nổi Phụng Hiệp biến mất thì chợ nổi Cái Răng cũng đứng trước nguy cơ tàn lụi. Nhiều lời báo động khẩn thiết làm sao cho chợ nổi miền Tây khỏi… chìm, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Không chỉ dừng lại ở những phản hồi ít tích cực của du khách ghé chân qua vùng gạo trắng nước trong, chính những người Cần Thơ cũng nhận ra sự bất ổn từ chợ nổi Cái Răng. Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Thành phố Cần Thơ mới đây, một sự thật được thừa nhận là chợ nổi Cái Răng "chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe".

Trong hệ thống chợ nổi miền Tây, chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất và được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Vì vậy, theo đà phát triển chung của ngành du lịch, thì lượng khách tham quan chợ nổi Cái Răng không ngừng tăng lên mỗi năm. Có giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có khoảng 200 lượt tàu đưa đón khách du lịch từ khu vực bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng. Thế nhưng, điều oái oăm là những chiếc ghe của thương hồ trên chợ nổi Cái Răng lại ngày càng ít hơn trước. Nghĩa là bản sắc của chợ nổi miền Tây mai một dần.

Chợ nổi Cái Răng nói riêng và chợ nổi miền Tây nói chung, được xuất hiện từ nhu cầu thiết thực của người dân vùng sông nước. Chợ nổi hình thành ở ngã ba sông, và xuồng ghe tụ họp trao đổi hàng hóa, khi đường bộ chưa phát triển. Bây giờ, giao thông đường bộ đã kết nối các kênh rạch, không còn người dân địa phương nào còn ý định đến chợ nổi để mua bán như một nếp sống phổ biến.

Để chợ nổi miền Tây không chỉ tồn tại trong ký ức, yếu tố văn hóa phải làm điểm tựa thay cho yếu tố kinh tế, nhưng hình ảnh thương hồ vẫn là chủ thể tinh thần và chủ thể thụ hưởng. Là những người lấy ghe làm nhà và mưu sinh trên sông nước, nhưng thương hồ rời khỏi chợ nổi vì họ không tìm thấy được quyền lợi cơ bản nào từ chợ nổi. Cho nên, khi và chỉ khi thương hồ được tạo điều kiện gắn bó với chợ nổi, thì mới có “chợ” để “nổi” theo nhịp sống trên bến dưới thuyền.

Thử nhìn qua nước bạn Thái Lan, họ không có chợ nổi tự nhiên như chúng ta. Chợ nổi Thái Lan xây dựng trên kênh đào và dàn dựng mọi cảnh trí, nhưng họ vẫn thu hút du khách vì kéo du khách vào một không gian sinh động. Ngược lại, chợ nổi miền Tây “chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe” do chưa có sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà đầu tư và thương hồ để tạo được một mô hình đắc dụng.

Đã đến lúc phải nghĩ khác về chợ nổi miền Tây. Chợ nổi cần tư duy tiếp sức, chứ không cần tư duy bảo tồn. Vai trò của thương hồ phải được phát huy đầy đủ bản sắc văn hóa sông nước. Thử mường tượng, nếu thương hồ được hỗ trợ chi phí xăng dầu, bến bãi để mua bán những nông sản đặc thù miệt vườn và những món ăn độc đáo do chính người dân địa phương chế biến, thì chắc chắn sức sống của chợ nổi sẽ được phục hồi.

Bình luận mới nhất