Mùa khô năm 2023 - 2024, dự báo xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh Bến Tre từ tháng 1 đến tháng 5, nhất là hệ thống sông Hàm Luông và Cửa Đại. Việc chủ động ứng phó với hạn mặn, bảo vệ thành quả sản xuất là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành nông nghiệp địa phương.
Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các bản tin về xâm nhập mặn qua các kênh thông tin như phát thanh, báo, đài truyền hình, chương trình “Đồng hành cùng nhà nông”. Tiến hành trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như đào ao, lót bạt mương, túi trữ nước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất.
Bà con cần xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; kiểm tra, đo độ mặn nước trước khi tưới. Sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt. Quan tâm đối với diện tích cây sầu riêng, chôm chôm đang giai đoạn xử lý nghịch vụ và hàng triệu giỏ hoa kiểng Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, bà con cần chủ động dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi. Thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thường xuyên theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH... để kịp thời bố trí loại con nuôi và thời vụ nuôi phù hợp. Hệ thống ao nuôi đảm bảo đủ nước dự trữ cho quá trình sản xuất như xây dựng ao lắng lọc, ao chứa nước đạt yêu cầu. Di chuyển thủy sản nuôi đến khu vực không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn hoặc thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm trước khi mặn xâm nhập cao.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre khuyến cáo: Trong thời gian mặn cần đóng cống, bọng của các mương vườn lại. Đồng thời giữ ẩm cho khu vườn, một số cây trồng nên áp dụng biện pháp cắt tỉa cành trước hạn mặn xảy ra. Thường xuyên kiểm tra độ mặn để đưa nước vào sử dụng cho cây trong điều kiện cho phép. Công tác thông tin tuyên truyền trong cộng đồng rất quan trọng để người dân chia sẻ.
Những ngày này, ông Nguyễn Chí Dũng ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách thường xuyên cập nhật độ mặn qua tin báo của địa phương cũng như theo dõi tin tức trên báo đài. Cách đây mấy ngày, ông Dũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua bạt về lót trữ được 200m3 nước ngọt.
Hàng năm, nông dân tỉnh Bến Tre chuẩn bị trên 1.000 hồ có dung tích từ 200m3 trở lên và hàng nghìn túi nước có dung tích từ vài khối đến vài chục khối để trữ nước trong mùa hạn mặn.
"Nếu hạn mặn xảy ra, số nước này có thể sử dụng tưới cho vườn cây kiểng của gia đình khoảng 20 ngày. Nếu kéo dài sẽ thuê ghe chở nước ngọt từ thượng nguồn về. Mấy ngày nay, tôi đọc tin tức thấy hạn mặn sẽ đến sớm nên cũng rất lo. Tôi cũng như nhiều bà con sản xuất cây giống, hoa kiểng, nhất là những vườn cây sầu riêng đang xử lý nghịch vụ chuẩn bị nước tưới hết rồi”, ông Dũng lo lắng.
Những năm gần đây, bà con nông dân ở Bến Tre luôn trong tâm thế chủ động phòng hạn, mặn. Bà con sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc thường trữ nước ngọt trên các hồ nổi, các túi nhựa, các ao. Riêng bà con trồng cây ăn trái thường nạo vét mương vườn, trải bạt trữ nước trong mương.