| Hotline: 0983.970.780

2 cống ngăn mặn gần 300 tỷ sẵn sàng vận hành

Thứ Ba 17/10/2023 , 09:11 (GMT+7)

BẾN TRE Hai cống ngăn mặn Tân Phú và Bến Rớ đã sẵn sàng vận hành, giúp tỉnh Bến Tre chủ động ứng phó xâm nhập mặn ngay từ thời điểm này.

Ngày 10/10, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 9 (BQL ĐTXD Thủy lợi 9 - Bộ NN-PTNT) chủ đầu tư Dự án Quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3) cho biết đã cơ bản hoàn thành 2 trong 8 công trình cống ngăn mặn là Tân Phú và Bến Rớ với tổng mức đầu tư 2 công trình này hơn 295 tỷ đồng.

Cống Tân Phú và Bến Rớ sẵn sàng vận hành ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Tân Phú và Bến Rớ sẵn sàng vận hành ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Các cống Tân Phú và Bến Rớ có cùng thiết kế hệ thống công trình thủy công, cửa van rộng 20m, cao 7m, kết hợp với cầu giao thông mặt cầu rộng 6m. Riêng cống Tân Phú còn được bố trí thêm trạm bơm với 6 máy công suất 20m3/giây.

Chủ đầu tư cho biết, đến nay cả 2 công trình cống đều đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp và thiết bị công trình thủy lợi, bao gồm thân cống và tháp van; cửa van cống và thiết bị cơ khí vận hành cửa cống; 6 tổ máy bơm.

Hiện cửa van cống đã được vận hành thử thành công bằng máy phát điện. Các hạng mục khác cũng đã được thi công hoàn thành, như cầu giao thông trên cống, lưới điện trung thế và trạm biến áp. Các công việc tiếp theo sẽ tiếp tục được tiến hành bao gồm đo địa chất 2 bờ sông, triển khai các biện pháp gia cố, chống xói lở; hoàn thành lưới điện, hoàn thiện mặt đường giao thông hai bên các cống.

Hai cống này được xây dựng tại thượng nguồn sông Ba Lai (thuộc các xã Tân Phú và Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hai công trình hoàn thành giúp địa phương chủ động phòng chống xâm nhập mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào thượng nguồn sông Ba Lai. Đồng thời trữ ngọt giúp bảo vệ vùng trồng cây ăn trái đặc sản ở thượng nguồn của huyện Châu Thành trước nguy cơ ảnh hưởng của hạn mặn mùa khô 2023 - 2024.

Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành cho biết: Xã Tiên Long có diện tích cây ăn trái đặc sản là sầu riêng và chôm chôm khoảng 850ha, những trái cây này mang lại thu nhập cao cho bà con. Tuy nhiên, mùa khô 2015 – 2016 địa phương xảy ra xâm nhập mặn kéo dài hơn 1 tháng. Riêng mùa khô 2019 – 2020, xâm nhập mặn gay gắt hơn, kéo dài đến gần 6 tháng. Vườn cây bị ảnh hưởng của nước mặn gây chết cây cũng như giảm chất lượng trái, mất thời gian dài mới phục hồi được. Để ứng phó với xâm nhập mặn, bà con địa phương đắp đập tạm, nạo vét mương vườn, lót bạt đáy ao và dùng sà lan chở nước ngọt dự trữ tưới cây. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp trên không cao bởi nguồn nước dự trữ trong các kênh mương chỉ đáp ứng được hơn nửa tháng.

Ông Bùi Trung Chỉnh đánh giá chủ trương đầu tư các cống này là rất kịp thời, đáp ứng được việc ngăn nước mặn tấn công, đồng thời đảm bảo được nguồn tưới tiêu cho vườn cây trái vào mùa khô. “Được đầu tư cống ngăn mặn, bà con rất mừng. Hiện tại, hai cống này đảm bảo nước tưới cho ấp Tiên Hưng 1, Tiên Hưng 2 và các xã lân cận như Quới Thành, Phú Đức, Tân Phú. Hy vọng sau khi hoàn thành sẽ ngăn mặn tốt, đảm bảo đủ nước tưới tiêu trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn”, ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long nói.

Trạm bơm điện tại cống Tân Phú giúp chủ động lấy ngọt khi mực nước bên ngoài cống thấp hơn bên trong. Ảnh: Minh Đảm.

Trạm bơm điện tại cống Tân Phú giúp chủ động lấy ngọt khi mực nước bên ngoài cống thấp hơn bên trong. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Lê Quang Đức, Phó Giám đốc BQL ĐTXD Thủy lợi 9, ngoài nhiệm vụ ngăn mặn, hai cống này còn có nhiệm vụ cấp nước bổ sung cho vùng bắc Bến Tre ngay cả khi đã đóng cống trong mùa mặn nhờ trạm bơm điện tại cống Tân Phú. Trạm bơm điện được thiết kế có máy phát điện, có thể chủ động bơm nước cấp bổ vào trong khi bên ngoài xuất hiện nước ngọt nhưng mực nước thấp hơn bên trong. Ngoài ra, các cống còn có chức năng của cầu giao thông nông thôn giúp đi lại thuận tiện, nhất là vận chuyển nông sản. 

Dự án JICA 3, sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt năm 2017. Đây là dự án có quy mô lớn được xây dựng tại tỉnh Bến Tre, toàn dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.191 tỷ đồng. Dự án gồm 8 cống: Cống An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre, Tân Phú, Bến Rớ, Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và TP Bến Tre. Dự án JICA 3 hoàn thành sẽ giúp tỉnh Bến Tre chủ động điều tiết nguồn nước đảm bảo sản xuất và dân sinh.

Đến nay ngoài 2 công trình nêu trên được hoàn thành thì 6 cống còn lại chậm triển khai. Theo chia sẻ từ ông Lê Quang Đức, nguyên nhân do chủ đầu tư đang gặp khó khăn về thủ tục và vốn. Bởi thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai dự án JICA 3 có chậm hơn so với kế hoạch. Trong khi giá cả vật liệu tăng cao, tỷ giá hối đoái đồng Yên của Nhật so với đồng Việt Nam có thay đổi dẫn đến dự án bị đội vốn khoảng 2.500 tỷ đồng, tương đương với việc thiếu vốn làm 2 cống Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong ở huyện Mỏ Cày Nam.

Vì vậy, BQL ĐTXD Thủy lợi 9 (Bộ NN-PTNT) và các Bộ ngành liên quan cùng nhà đầu tư vốn JICA đã bàn bạc thống nhất theo đề nghị của Bộ NN-PTNT tách 2 cống Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong thành dự án khác bằng vốn trong nước. Đối với nguồn vốn đã được phê duyệt, chủ đầu tư đủ thực hiện 4 cống còn lại gồm: Cống An Hóa, Bến Tre, Thủ Cửu và Cái Quao.

“Hiện BQL ĐTXD Thủy lợi 9 (Bộ NN-PTNT) nỗ lực thu hẹp các bất đồng và đi đến thống nhất với JICA và Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ tách riêng 2 cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong thành dự án khác sử dụng vốn trong nước. Đồng thời tập trung cho đấu thầu quốc tế 4 cống còn lại, dự kiến đến quý I năm 2024 sẽ đấu thầu thành công và khởi công ngay các cống này”, ông Đức cho biết.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (ngoài cùng bên trái) trao đổi với BQL ĐTXD Thủy lợi 9 về việc đưa và vận hành cống Bến Rớ và Tân Phú. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (ngoài cùng bên trái) trao đổi với BQL ĐTXD Thủy lợi 9 về việc đưa và vận hành cống Bến Rớ và Tân Phú. Ảnh: Minh Đảm.

Bến Tre chủ động phòng chống xâm nhập mặn

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp. Cụ thể, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 có khả năng xuất hiện sớm trên các sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ nửa cuối tháng 11/2023.

Về sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Vận động, hướng dẫn người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi.

Để đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, bảo đảm vận hành các nhà máy nước liên tục.

Bên cạnh đó, nạo vét các ao chứa nước thô nhằm tăng lượng dự trữ nước ngọt để phục vụ cho công tác vận hành cấp nước. Tổ chức đo kiểm tra độ mặn tại các nhà máy để có kế hoạch lấy nước hợp lý phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn xâm nhập mặn.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.