Do ngân hàng này đưa cho họ lịch trả nợ gốc vay theo Nghị định 67 phân bổ không đồng đều, trong đó những năm đầu tiên ngân hàng “siết” thu hồi nợ với số tiền rất cao.
Nguy cơ nợ xấu
Ngư dân Trần Văn Đạt, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) cho biết, ông đã tham gia đóng “tàu 67” bằng vật liệu composite số hiệu KH 92179 TS, giá trị hơn 10 tỷ đồng được vay vốn tại phòng giao dịch ngân hàng NN-PTNT Nam Nha Trang.
Ngư dân Trần Văn Đạt trình bày với NNVN |
Tháng 9/2017, tàu ông hạ thủy và đi vào hoạt động. Đến đầu năm 2018, ông bắt đầu đến kỳ trả nợ gốc vay. Ban đầu, ngân hàng đưa ra cho ông lịch trả nợ cứ 3 quý đầu đóng 230 triệu đồng/quý, còn quý cuối đóng 160 triệu đồng nên ông hoàn toàn đồng ý.
Nhưng sau đó ngân hàng mời ông lên đưa ra lịch trả nợ, cứ 3 quý đầu đóng 240 triệu/quý, còn quý cuối đóng 170 triệu. Do số tiền thay đổi không đáng bao nhiêu nên ông cũng nhất trí với lịch trả nợ mà ngân hàng đưa ra, vì nghĩ mình có thể đảm bảo.
Tuy nhiên đến khi ngân hàng mời ông lên lần nữa thay đổi lịch trả nợ, 3 quý đầu đóng 330 triệu/quý, còn quý cuối đóng 210 triệu trong 4 năm đầu (từ 31/3/2018 đến 30/9/2021) thì ông e rằng khó đảm bảo, nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra.
“Ngân hàng đưa ra mức thu hồi nợ gốc vay như vậy, tính ra 1 năm tôi phải trả 1,2 tỷ đồng. Với kỳ thu phải trả 330 triệu đồng, tương đương mỗi tháng tàu tôi phải thu bình quân 110 triệu, chưa tính lãi thì làm sao tôi kham nổi”, ông Đạt nói.
Tương tự, ngư dân Phạm Minh Hoàng, tổ 13, phường Ngọc Hiệp, chủ tàu composite KH 99968 TS, trị giá hơn 11 tỷ đồng, được vay vốn NĐ 67 tại Chi nhánh NN-PTNT Vĩnh Hiệp.
Ngư dân Phạm Minh Hoàng |
Ban đầu, bên ngân hàng đưa ra lịch trả nợ vốn vay chia đều 15 năm, mỗi năm đóng 3 quý (quý - 4 tháng) và mỗi quý đóng 250 triệu đồng nên ông thấy đảm bảo trả nợ nên đồng ý.
Đến khi ông tiến hành đóng tiền vốn đối ứng, thiết kế bản vẽ và hợp đồng đóng tàu, thì ngân hàng bất ngờ thay đổi đưa ra lịch trả nợ.
“Mỗi quý tôi phải đóng 430 triệu trong vòng 4 năm đầu, cộng với tiền lãi nữa, tính ra hơn 1,3 tỷ/năm, thì làm sao trả nổi, trong khi những tháng cuối năm biển động, rất đói”, ông Hoàng bộc bạch.
Tôi hỏi, vậy tại sao ông vẫn ký hợp động tín dụng vay? Ông Hoàng nói: Ngân hàng đưa tôi vào thế “đã trèo lên lưng cọp” nên đành ký vào hợp đồng. Bởi nếu không tôi sẽ mất hơn 1 tỷ đồng tiền đối ứng vì đã hợp đồng xưởng đóng tàu.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có ông Đạt và ông Hoàng, mà còn 8 chủ “tàu 67” khác đều vay vốn NĐ 67 thuộc Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Khánh Hòa cũng đang kêu cứu, vì việc thu hồi nợ gốc vay của ngân hàng trong những năm đầu với số tiền quá lớn.
Họ thắc mắc tại sao khi chủ “tàu 67” vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa thì lịch trả nợ được phân phổ đều mỗi kỳ trong vòng 15 năm. Còn tại ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Khánh Hòa không phân bổ thu hồi nợ gốc đều ở các kỳ thu mặc dù họ đã kiến nghị.
Ngư dân kêu cứu vì không thể đảm bảo trả nợ vốn vay vì ngân hàng phân bổ thu hồi không đều |
Các chủ tàu cho rằng, ngân hàng phải tạo điều kiện cho họ trả nợ, chứ sao lại ép đưa ra kỳ thì thu quá nhiều, kỳ thì thu quá ít. Vì vậy họ kiến nghị các cấp can thiệp để ngân hàng phân bổ thu hồi nợ gốc đều các kỳ thu trong vòng 15 năm. Việc này không chỉ đảm bảo thu hồi nợ vốn vay cho ngân hàng, mà còn tạo điều kiện cho ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển.
Ngân hàng nói gì?
Đem những mắc thắc của ngư dân, chúng tôi làm việc với Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Khánh Hòa. Được sự ủy quyền giám đốc, bà Lâm Thị Hồng, Trưởng phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, cho biết, việc thu hồi nợ gốc vay theo NĐ 67 ngân hàng đưa ra đúng cơ sở về nguyên tắc tính toán và được 2 bên ký kết hợp đồng thỏa thuận.
|
Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Khánh Hòa đưa ra thu hồi nợ gốc vay 4 năm đầu với số tiền lớn |
Theo bà Hồng, căn cứ vào phương án ngư dân tự lập vốn vay, sau đó ngân hàng thẩm định, thì theo quy định cho vay trung, dài hạn, có quy chế trích khấu hao và lợi nhuận trong một năm. Do đó, vốn ngân hàng tham gia bao nhiêu thì sẽ thu tỷ lệ tương ứng từ lợi nhuận và khấu hao.
Ở đây ngân hàng cho vay đóng tàu 95%, ngư dân chỉ 5%. Vì vậy khi khấu hao ngân hàng trích 95% và lợi nhuận cũng 95%. Tuy nhiên phần lợi nhuận ngân hàng chỉ thu khoảng 20-30% nên ngư dân đã đóng rất ít...
Hơn nữa, việc chế chấp chính con tàu này, ví dụ giá trị 100 triệu vay trong 10 năm (ngân hàng cho vay 95%), trong khi khấu hao mỗi năm một giảm đi mà ngân hàng không thu, đến khi giá trị tài sản thế chấp còn 20 triệu, mà nợ còn 50 triệu thì ngân hàng tính làm sao để thu hồi.
Về việc điều chỉnh lại cơ cấu kỳ hạn, bà Hồng cho biết thêm, ngân hàng vẫn điều chỉnh bình thường, có thể giảm số tiền xuống hay chia đều số tiền mỗi kỳ theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên theo NĐ 67, nếu khách hàng điều chỉnh mà không phải nguyên nhân vì lý do thiên tai thì sẽ không còn được hỗ trợ lãi suất.
|
Trong khi ngư dân vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa đưa lịch trả nợ được phân phổ đều mỗi kỳ |
Trước việc thu hồi nợ gốc vay theo NĐ 67 phân bổ không đồng đều của Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Khánh Hòa, mới đây, 10 ngư dân đã cùng ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị liên quan để nhờ các cấp can thiệp. Họ hy vọng sẽ được tháo gỡ, để yên tấm bám biển và tránh nguy cơ nợ xấu xảy ra. |