Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khai thác cát biển phục vụ san lấp các dự án cao tốc trọng điểm của quốc gia, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan để sớm khai thác cát biển, đưa vào phục vụ các công trình. Tuy nhiên, qua rà soát các cơ sở pháp lý, đã tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khiến địa phương chưa thể triển khai thực hiện.
Cụ thể, theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định chỉ có hiệu lực trong 2 năm (2022 và 2023).
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cũng không đề cập cơ chế đặc thù đối với cát biển.
Còn xét về thẩm quyền cấp phép khai thác cát biển tại khu vực biển nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý, không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của tỉnh Sóc Trăng.
Hiện nay, theo rà soát của UBND tỉnh Sóc Trăng, chưa có văn bản của cơ quan thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho tỉnh cấp phép khai thác cát biển tại khu vực nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý.
Trước thực tế này, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã có văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác cát biển tỉnh Sóc Trăng gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý, giúp địa phương thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, ông Lâu kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao thẩm quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng hoặc chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản ủy quyền cho tỉnh được cấp phép khai thác cát biển với khu vực B1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá.
Đồng thời, ông Lâu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm giao khu vực biển cho nhà thầu được giao khu vực mỏ khai thác khoáng sản (cát biển) theo cơ chế đặc thù đã quy định.