| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng cần hỗ trợ trong quản lý khai thác cát biển

Chủ Nhật 12/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

ĐBSCL Tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát biển lớn, lãnh đạo tỉnh lo ngại việc quản lý khai thác cát biển ngoài khơi vượt khả năng của địa phương, kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm, với tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường khoảng 63 triệu m3.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguồn cung vật liệu cát đảm bảo chất lượng tập trung chủ yếu tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, trữ lượng lớn nằm tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang.

Các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL đang được gấp rút thi công. Ảnh: Kim Anh.

Các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL đang được gấp rút thi công. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, ngành giao thông vận tải đã xác định được nguồn cung cho 37/63 triệu m3, còn thiếu khoảng 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”.

Theo kết quả đánh giá của dự án này, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Liên quan đến vấn đề khai thác cát biển phục vụ các dự án giao thông trọng điểm, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chiều ngày 11/5, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu quan ngại về việc quản lý khai thác cát biển ngoài khơi.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trong quản lý khai thác cát biển ngoài khơi. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trong quản lý khai thác cát biển ngoài khơi. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Lâu, tỉnh Sóc Trăng hiện không có nhu cầu để sử dụng cát biển. Việc khai thác cát biển nhằm mục đích phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn các tỉnh bạn.

Dựa trên những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng từ các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát biển rất lớn, khoanh định được 6 mỏ cát biển, có khả năng làm vật liệu xây dựng, trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3, nhưng chưa được đánh giá, thăm dò và khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Lâu, xét về quy định của pháp luật, cụ thể tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và Quyết định 853/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền, ranh giới, khoảng cách của các mỏ cát biển và thẩm quyền cấp phép… đều không thuộc phạm vi của tỉnh Sóc Trăng.

“Những mỏ cát biển này quy mô tới 32km2 và cách bờ 23km. Như vậy, tỉnh Sóc Trăng không có khả năng quản lý khai thác ngoài khơi hay nói cách khác là đang vướng chỗ này”, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng băn khoăn.

Một trong những công trình thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh. 

Một trong những công trình thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh. 

Bên cạnh đó, ông Lâu cho biết, theo Nghị quyết 106/NQ-QH ngày 28/11/2023 của Quốc hội áp dụng chính sách đặc thù cho vấn đề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cũng không quy định việc sử dụng khu vực biển đối với hoạt động khai thác cát để phục vụ cho cao tốc. Do đó, tỉnh Sóc Trăng gặp lúng túng, chưa rõ trong việc áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác cát biển.

Trước những khó khăn này, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Quốc phòng, giao các đơn vị trực thuộc, quản lý việc khai thác ngoài khơi, khi triển khai khai thác cát biển.

Ông Lâu nhấn mạnh: “Nếu không khéo về mặt pháp lý và quy định pháp luật, rủi ro rơi vào tỉnh Sóc Trăng”.

Trước khó khăn của địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay, việc mở rộng công suất hoặc tìm mỏ cát mới ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mất nhiều thời gian. Do đó, cần phải sử dụng cát biển và sử dụng một số nguồn khác (cát cồn) để bổ sung, thay thế cát sông.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cát biển là giải pháp số 1 để giải quyết vấn đề vật liệu san lấp trong quá trình thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Ảnh: Kim Anh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cát biển là giải pháp số 1 để giải quyết vấn đề vật liệu san lấp trong quá trình thi công các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Ảnh: Kim Anh.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương đang thiếu cát thi công đường cao tốc, nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế lót nền.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ Tài Nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương, dựa trên các cơ sở pháp lý đã có đầy đủ, thẩm quyền rõ ràng.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác, hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng.

Trong đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn tất việc khảo sát, thăm dò, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục khác liên quan đến khai thác mỏ cát biển ở Sóc Trăng theo quy định. Dự kiến ngày 15/5 sẽ được cấp xác nhận đủ điều kiện khai thác.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, dự kiến nhà thầu sẽ khai thác 2 mỏ, quy mô 100ha/mỏ, tổng công suất gần 6 triệu m3.

Phương án hiện tại được đưa ra là sử dụng 10 tàu hút, công suất mỗi giờ hút được 3.000m3/tàu. Đơn vị cũng cam kết, trong quá trình quản lý khai thác sẽ xây dựng quy chế phối hợp. Trước hết, nhà thầu có trách nhiệm khai thác theo đúng phương án đã thiết kế và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên tàu có gắn camera, định vị, đảm bảo “đi đến nơi về đến chốn”.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...