Chùa Ba Vàng là một sơn môn thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Căn cứ vào các dữ liệu khảo cổ, tất cả di vật để lại như gạch, ngói, bia đá, mảnh sành… đều mang văn hóa đời Trần. Sau cuộc nội chiến Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đại Thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng nên Bảo Quang Tự (1706) nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. Kể từ thế kỷ thứ 13 đến nay, chùa Ba Vàng đã qua 4 lần trùng tu.
Với tâm nguyện dựng lại những tích cũ hội xưa mang tinh thần và vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, ngày 9/9 âm lịch, nhà chùa đã phục dựng lại lễ hội hoa cúc (Tết trùng dương) - một lễ hội truyền thống rất lâu đời của dân tộc mang ý nghĩa của sự trường thọ, thanh liêm, chính trực, hoa cúc cũng là Quốc hoa từ thời nhà Trần, đại diện cho nhà Phật.
Những năm qua, chùa Ba Vàng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng và xã hội như nỗ lực truyền bá chính đạo, bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức các công tác thiện nguyện, đào tạo tu dưỡng đức – trí cho tăng ni Phật tử cả nước, tổ chức làm đường lên núi, xây dựng trạm biến áp 356KV, quyên góp, làm từ thiện cho các vùng thiên tai, lũ lụt, các nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và một số huyện nghèo cùng xã hội.
Trong khuôn viên của Chùa cũng xây dựng các khu chữa bệnh và lớp học đào tạo trí – đức cho trẻ em miễn phí với số lượng người tham dự lên đến vài trăm người.
Theo trụ trì Thích Trúc Thái Minh: "Với mong muốn xây dựng một điểm du lịch, tâm linh của khách thập phương, ban lãnh đạo nhà Chùa luôn nỗ lực bài trừ mê tín, dị đoan, xóa bỏ những tệ nạn buôn bán, ăn xin, cờ bạc, nhốn nháo nơi linh thiêng. Khách đến chùa sẽ được đãi cơm chay, ăn nghỉ miễn phí tại chùa. Các vật phẩm cúng dường cũng được nhà chùa chuẩn bị với tinh thần tùy tâm, không bán"
Ngày 9/3 chùa Ba Vàng sẽ chính thức được trao danh hiệu kỷ lục Chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam đồng thời cũng diễn ra Đại lễ khánh thành.