Dù chỉ vừa lên kế hoạch để có tờ trình gửi UBND TPHCM, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã dự kiến có khoảng 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia thi chọn thiết kế kiến trúc cho Nhà hát Thủ Thiêm, với giải nhất trị giá 1,2 tỷ đồng.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM vào tháng 10/2018 đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quyết định ấy lập tức gây xôn xao dư luận, vì những sai phạm trong quá trình triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa có phương án giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm tạm gác lại câu chuyện Nhà hát 1500 tỷ đầy thị phi, thì giờ đây công trình văn hóa này lại rục rịch khởi động.
Thực tế, thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam cũng cần một Nhà hát có quy mô tương xứng để phục vụ công chúng. Trước đây, vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã xây dựng tại Sài Gòn đến ba nhà hát có chức năng riêng biệt, nhưng hiện tại chỉ còn Nhà hát TPHCM còn giữ nguyên hoạt động, hai nhà hát kia đã được chuyển đổi thành Kho bạc TPHCM và Nhạc viện TPHCM.
Tiêu chí nào để thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM tại Thủ Thiêm? UBND TPHCM yêu cầu công trình phải mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của TP, hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM. Ngoài ra, công trình phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế. Nghĩa là Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TPHCM vừa có tính chuyên môn (để trình diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm) vừa có tính đại chúng (để triển lãm, hội thảo, đào tạo…).
Đối với người dân TPHCM nói riêng và người dân cả nước nói chung, khu đô thị mới Thủ Thiêm là một mối bận tâm chưa dứt, và Nhà hát 1500 tỷ lại là một mối bận tâm đáng hồi hộp nữa.