Hiện nay, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với gần 15% GDP quốc gia. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và áp lực cạnh tranh toàn cầu, ngành nông nghiệp không chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống mà phải vươn lên xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, tích hợp công nghệ và chuyển đổi số ở mọi giai đoạn.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh vai trò của Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và thực phẩm rất quan trọng.
“Ngoài là cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, PSAV hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đồng thời, là nền tảng xây dựng chính sách phù hợp, thúc đẩy hội nhập quốc tế, và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Tuấn cho biết.
Bà Amy Mlissa Chua, Giám đốc Quan hệ đối tác của Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia), chia sẻ, kết quả của COP29 ở Baku cho thấy, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề quan trọng trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm.
Dù đã có thỏa thuận huy động 300 tỷ USD mỗi năm (đến năm 2035) để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chống lại biến đổi khí hậu nhưng con số này vẫn chưa đủ so với 1,3 nghìn tỷ USD mà các quốc gia này cần. Nông nghiệp, một lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và cũng là một phần nguyên nhân gây ra vấn đề này, chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ trong các cuộc thảo luận về tài chính khí hậu.
Các nông dân quy mô nhỏ, những người đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thực phẩm, vẫn bị loại trừ khỏi các cuộc đàm phán khí hậu chính thức. Nhóm nông dân này hiện sản xuất hơn 80% lương thực trong khu vực và là những người dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Grow Asia vẫn đang tiên phong trong sáng kiến GrowBeyond, với mục tiêu huy động 1 tỷ USD tài chính khí hậu cho các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á vào năm 2030, sử dụng mô hình tài chính hỗn hợp để giúp các nông dân nhỏ tiếp cận thị trường và tài chính với chi phí hợp lý, mở rộng các phương pháp nông nghiệp tái sinh.
“Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với PSAV, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT để huy động các khoản đầu tư và thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) không chỉ bền vững, có khả năng chống chịu tốt mà còn công bằng - một hệ thống hỗ trợ cả con người và hành tinh cho các thế hệ tương lai”, bà Amy Mlissa Chua nói.
Kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới sáng tạo hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam
Nhằm cụ thể hóa Đề án Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam, tháng 9/2024, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định thành lập Nhóm Đối tác thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIH). FIH áp dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, xác định các thách thức và giải pháp trong suốt chuỗi giá trị - từ đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, vận chuyển và chế biến, cho đến tận thị trường cuối cùng..
Bà Rachael Cox, chuyên gia Fullbright, cho biết, thông qua các giai đoạn xác định các điều chỉnh, nhu cầu đổi mới bổ sung và các ưu tiên mới, lực lượng đặc nhiệm trong ngành sẽ không ngừng thúc đẩy quá trình đổi mới để giải quyết các thách thức cấp bách và mới nổi trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam.
“FIH thiết kế một kế hoạch phát triển năng lực tập trung vào các lĩnh vực đổi mới ưu tiên, được xác định từ kết quả nghiên cứu trong các giai đoạn trước. Bên cạnh đó, tạo ra một Vườn ươm đổi mới thực phẩm và nông nghiệp, cung cấp hỗ trợ kinh doanh thiết yếu cho các đổi mới trong các lĩnh vực ưu tiên, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà sáng tạo có thể phát triển bền vững.
Ngoài ra, đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, đào tạo và tài nguyên kỹ thuật số để xây dựng kiến thức và năng lực đổi mới, đồng thời cung cấp khả năng đầu tư và tiếp cận nguồn vốn”, bà Rachael Cox nói.
Bà Sonja Esche, Trưởng nhóm nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) GmbH, chia sẻ về hoạt động hợp tác với các viện nghiên cứu trong khuôn khổ dự án GIC, trong đó sáng lập Diễn đàn Lúa gạo Bền vững (SRP) nhằm thúc đẩy các phương pháp canh tác lúa hiệu quả.
Diễn đàn tập trung thử nghiệm và triển khai các kỹ thuật như 1 Phải 5 Giảm, Tưới ngập khô xen kẽ (AWD), Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và Quản lý rơm rạ sáng tạo. Các mô hình này sau đó được trung tâm khuyến nông áp dụng rộng rãi, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường năng suất và thu nhập cho nông dân.
“GIZ tập trung phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội kinh doanh. Khu vực tư nhân là đối tượng hưởng lợi chính từ các sáng kiến của GIZ, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập và hướng đến mục tiêu tăng cường kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác với khu vực tư nhân với tư cách là các đối tác dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đối tác tư nhân có thể đóng góp bằng hiện vật hoặc tài chính cho mục tiêu nâng cao tính bền vững và các tác động lớn hơn của dự án”, bà Sonja Esche cho biết.
Tiến sĩ Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), định huớng rằng, quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững cần tập trung vào việc tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, sử dụng đầu vào hiệu quả hơn và giảm chi phí sản xuất để giúp nông dân duy trì lợi nhuận cao trong khi vẫn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên.
Nền nông nghiệp bền vững không chỉ hướng đến giảm thiểu khí thải và ô nhiễm mà còn tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nông thôn. Song song đó, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ và thanh niên tham gia rộng rãi và bình đẳng.