TP.HCM là địa phương có nhu cầu thực phẩm lớn, đặc biệt trong dịp Tết. Do đó, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Điều này không chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản mà còn là bảo vệ sức khỏe của người dân trong dịp Tết cổ truyền.
Hiện, lượng hàng hóa đổ về các chợ đầu mối tại TP.HCM tăng mạnh, đạt 13.000-15.000 tấn/ngày, tăng 80% so với ngày thường. Đối với hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi, sức mua cũng ghi nhận tăng khoảng 80%.
TP.HCM có 3 chợ đầu mối, 229 chợ dân sinh, 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi... Sức mua được dự kiến còn tăng trong những ngày cận Tết, phục vụ nhu cầu trước và trong Tết Nguyên đán.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, từ hơn 1 tháng trước, công tác giám sát, kiểm tra đã được TP.HCM triển khai. Theo đó, TP.HCM đã tổ chức 316 đoàn kiểm tra 1.692 cơ sở về chất lượng sản phẩm, điều kiện vật chất và nguồn gốc xuất xứ. Đã có 47 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt 63,8 triệu đồng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết, thực phẩm tươi sống là nhóm được lực lượng chuyên môn tập trung nhiều nguồn lực để kiểm soát nhất. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào không đảm bảo an toàn thì sẽ làm mạnh tay, tiêu hủy.
“Tình trạng giết mổ thủ công tại các địa phương khác rồi vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ vẫn còn khá nhức nhối, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo chất lượng và sự công bằng cho các lò mổ công nghiệp”, bà Phong Lan bày tỏ.
Hiện nay, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” tại TP.HCM, với sự tham gia của 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu, góp phần ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã ký kết với 15 tỉnh, thành phố để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ sản xuất, sơ chế, giết mổ đến phân phối.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao những liên kết này trong đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho TP.HCM. Điều này giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất và phân phối, xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm an toàn, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân dịp Tết.
“Kiểm soát an toàn thực phẩm phải đi vào bản chất, bằng việc chủ động kiểm tra, giám sát. Thiết nghĩ, TP.HCM cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ với các cơ sở đã phát hiện sai phạm, chứ không dừng lại ở việc hậu kiểm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu.
Trước đó, Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc tại hệ thống siêu thị MM Mega Market (cơ sở ở phường An Phú, TP Thủ Đức). Đoàn đã tiến hành kiểm tra, theo dõi hoạt động tại các gian hàng buôn bán và khu vực sơ chế thực phẩm nông sản, thủy sản.
Nhiều hạn chế của siêu thị MM Mega Market được Đoàn kiểm tra chỉ ra như: bồn rửa tay có để cả cá và khăn lau, công nhân không đeo găng tay khi sơ chế, để tôm lên bình ắc quy…