| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia ngôn ngữ nói ý kiến của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở "không ổn"

Thứ Bảy 29/06/2019 , 20:31 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) khẳng định: “Mở lon Việt Nam” với việc gắn tên gọi Việt Nam thay cho danh từ tên sản phẩm, hàng hóa, thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm.

Không trang trọng, gây phản cảm

Trả lời câu hỏi của PV về dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam trong quảng cáo của hãng Coca - Cola? Bà Hương cho biết đó là nằm ở cách sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”.

Nội dung chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL.

Theo bà Hương, về cơ bản, từ “lon” là từ ngữ được chấp nhận trong Tiếng Việt, nhưng nếu nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm, lon Coca Cola hay một nhãn hàng bia, nước ngọt, ... 

“Việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hoá sẽ làm cho người tiêu dùng không có được thông tin rõ ràng về sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể chấp nhận được nếu nội dung quảng cáo này không sử dụng cụm từ: “Mở lon Việt Nam” với việc gắn tên gọi Việt Nam thay cho danh từ tên sản phẩm, hàng hóa, thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương bày tỏ.

Tiếp đó, bà Hương cho biết thêm: “Là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp kiểm tra, phát hiện dấu hiệu chưa tuân thủ thì việc chấn chỉnh kịp thời hoặc phối hợp xử lý vi phạm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Cục cũng chia sẻ với góc độ một doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình hoạt động tại Việt Nam khi không được tư vấn kỹ về sự phù hợp về từ ngữ, văn hóa Việt thì việc họ vô ý xây dựng một nội dung quảng cáo không đảm bảo thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục và sự trong sáng của tiếng Việt cũng có thể xảy ra, do vậy, Cục chỉ yêu cầu chỉnh sửa từ ngữ khi tiếp tục quảng cáo”.

Trước đó, trả lời báo Tuổi trẻ, bà Ninh Thị Thu Hương còn lo xa: “Hãy giả sử người người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”.

Trên cổng Thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương bày tỏ: Việc gắn chữ "lon" như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ.
 

“Mở lon Việt Nam” không có gì phản cảm

Đó là đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Chia sẻ ý kiến của mình với Báo NNVN, ông Tình cho biết: “Trong Luật Quảng cáo (2013), điều 8 có 13 khoản cấm, trong đó có khoảng 4-5 khoản liên quan đến ngôn ngữ, có thể suy luận về ngôn ngữ. Nếu đối chiếu với Luật Quảng cáo thì chẳng có chỗ nào quy định từ Việt Nam không được dùng”.

Cụ thể, khoản 3 quy định cấm “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”; khoản 11 cấm “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ VH-TT-DL”.

PGS. TS Phạm Văn Tình: Tổ hợp “Mở lon Việt Nam” của Coca - Cola không có vấn đề gì.

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích, Luật Quảng cáo được áp dụng cho tất cả người Việt Nam và những đối tác kinh doanh với người Việt Nam ở trên đất nước Việt Nam, cho nên sử dụng từ Việt Nam chẳng có vấn đề gì là vi phạm.

“Honda họ sử dụng slogan “Tôi yêu Việt Nam”, Bitis có slogan “Nâng niu bàn chân Việt”, hay những chương trình khác vẫn dùng 2 chữ Việt Nam đi cùng đấy chứ. Cho nên cấm không cho sử dụng từ Việt Nam, từ Hà Nội hay bất kỳ từ nào đi kèm trong quảng cáo sản phẩm nghe nó không ổn. Đấy là chưa nói đây là hoạt động quảng cáo mang tính PR của hãng kinh doanh người ta thực hiện”, PGS.TS Phạm Văn Tình nêu.

Bàn tới tổ hợp “Mở lon Việt Nam”, về mặt ngôn ngữ, ông Tình cho biết, từ “lon” trong Từ điển tiếng Việt có 5 nghĩa, là một loại cầy bé nhỏ, lon là giã cua, lon là một từ ngoại lai được sử dụng quá quen thuộc trong tiếng Việt như lon bia, lon nước ngọt… Lon còn được sử dụng để chỉ đơn vị đo lường như nấu 2 lon gạo… Lon còn sử dụng để chỉ phù hiệu, quân hàm: lon đại úy, lon đại tá…

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: “Trong tất cả các từ “lon” tồn tại trong tiếng Việt thì không hề có nghĩa xấu”.

Bình luận về ý kiến của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở giải thích việc gắn chữ "lon" của Coca- Cola không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam"… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ, ông Tình cho rằng ý kiến này cũng không ổn.

Bởi vì một trong những nguyên tắc người ta làm slogan hay làm quảng cáo người ta có quyền rút gọn hoặc tạo ra các cấu trúc mới, lạ, gây ấn tượng, miễn là nó không đi quá xa. Bởi vì đấy là quyền của đơn vị kinh doanh.

"Từ đó, cơ quan quản lý có thể góp ý chứ không thể đưa ra một văn bản cấm và coi như người ta vi phạm pháp luật thì điều này tôi nghĩ là không ổn. Tôi nhắc lại, về mặt ngôn ngữ học, tổ hợp “Mở lon Việt Nam” của Coca - Cola không có vấn đề gì. Có nhiều chương trình quảng cáo khác còn gây bất ổn hơn nhiều", PGS.TS Phạm Văn Tình thẳng thắn nói.

Xem thêm
Việt Nam - những sắc màu di sản

Tối 22/11 tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống với chủ đề 'Việt Nam – những sắc màu di sản'.

Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận