| Hotline: 0983.970.780

Chuyện một ông Giám đốc HTX già chưa chịu nghỉ ngơi

Thứ Năm 02/06/2022 , 10:43 (GMT+7)

Cả đời công tác, đáng lẽ nghỉ hưu là quãng thời gian để vui vầy bên con cháu, bạn già thì ông Trần Duy Hiển lại thành lập HTX Thủy sản Bắc Hà Nội

Ông Hiển kiểm tra cá giống. Ảnh: NNVN.

Ông Hiển kiểm tra cá giống. Ảnh: NNVN.

Hai năm về trước HTX được thành lập với tổng số 8 thành viên, tổng vốn 2 tỉ, trong đó ông Hiển góp hơn ½, đảm nhiệm chức vụ giám đốc. Ông tâm sự với tôi rằng vốn là kỹ sư thủy sản nên luôn suy nghĩ về một hướng làm giàu cho quê hương, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương bởi xã Tự Lập (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhận thấy HTX hơn hộ cá thể ở sức mạnh tập thể, có khả năng cạnh tranh với các công ty; thêm vào đó Trung ương và TP Hà Nội  đang có nhiều chính sách ưu tiên cho loại hình kinh tế tập thể nên ông quyết định thành lập HTX thủy sản.

Đơn vị có diện tích mặt nước 2 ha, chủ yếu sản xuất giống, còn thương phẩm thì liên kết với dân. Cụ thể, về giống hiện có cá rô phi, trắm đen, chép, lăng đen, cá ngạnh… tổng cộng hơn 10 loại cả thông thường lẫn cao cấp. Còn về thương phẩm thì chuyển giao quy trình sản xuất rồi bao tiêu lại sản phẩm cá chép giòn, trắm giòn để bán cho các nhà hàng và cấp cho nhà hàng ngay tại cơ sở. Để sản xuất giống hay thương phẩm thủy sản không quá khó nhưng tiêu thụ mới là khó. Xác định ngay từ đầu là cạnh tranh với các cơ sở ươm giống của tư nhân cũng như Nhà nước bằng chất lượng nên HTX đã phấn đấu có cấp giấy cơ sở đạt điều kiện sản xuất ương giống thủy sản và đang xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VieGAP.

Trung bình mỗi năm doanh thu 2-3 tỉ đồng, so với HTX Dịch vụ nông nghiệp thì lớn nhưng so với tiềm năng thủy sản của Hà Nội thì chưa được nhiều. Về tầm nhìn trong tương lai ông Hiển bảo sẽ làm cả mảng chế biến, đăng ký thương hiệu để gia tăng giá trị, nếu có thể thì hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên ý tưởng đó còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách như sự ổn định về thời gian thuê đất, vốn cũng như việc quảng bá rộng rãi tới các nhà hàng, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm...

Trong xây dựng nông thôn mới thì HTX là một mắt xích không thể thiếu được bởi nó là hình thức sản xuất tập thể có thể tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn người, nâng cao thu nhập, tạo ra những sản phẩm OCOP. Ông Trần Văn Huệ-Chủ tịch UBND xã Tự Lập cho hay trên địa bàn đang có 3 HTX trong đó 2 HTX Dịch vụ Nông nghiệp chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang và 1 HTX mới thành lập dựa trên nhu cầu của cuộc sống là HTX Thủy sản Bắc Hà Nội. Tất cả chúng bề ngoài đều hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, nghĩa là có đầy đủ tổ chức bộ máy, xây dựng được điều lệ, quy chế hoạt động, thường xuyên tổ chức công tác thông tin tuyên truyền pháp luật.

Cận cảnh cá giống. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh cá giống. Ảnh: NNVN.

Trong đó HTX Dịch vụ Nông nghiệp chủ yếu làm các dịch vụ đầu vào như: Thủy nông, giống cây trồng, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật… Còn HTX Thủy sản Bắc Hà Nội đã hình thành một chuỗi khép kín từ sản xuất con cá giống đến cá thương phẩm và bao tiêu một phần sản phẩm làm ra. Tuy nhiên bên trong thì hiệu quả hoạt động lại không giống nhau.

Là người đi lên từ Chủ nhiệm HTX, ông Trần Văn Huệ đúc kết: HTX Dịch vụ nông nghiệp hiện nay khó bươn chải, thứ nhất là năng lực của đội ngũ lãnh đạo đa số còn hạn chế, thứ hai là không cạnh tranh được trên thị trường. Xưa lương thực phẩm giá trị cao, công nghiệp chưa phát triển, nông dân chỉ tập trung vào tư liệu sản xuất là đất, họ lật đất, bới cỏ để tạo ra sản phẩm, tạo ra thặng dư cho xã hội. Hồi ấy HTX không chỉ là bà đỡ của nền kinh tế địa phương mà còn có tiềm lực tổng hợp từ an ninh trật tự trong thôn vẫn là bảo vệ của HTX đảm nhiệm, an sinh xã hội như đường giao thông thôn, xã đều do HTX làm. Nên chỉ cần nhìn vào bộ mặt kinh tế của HTX nào khá thì nhân dân ở đó kinh tế khá.  

Sau này cơ giới hóa vào giảm đi nhiều lao động nông nghiệp, thứ nữa là giá trị của nông sản không cao nên phần lớn các HTX Dịch vụ nông nghiệp bị mai một vai trò, hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên HTX mới thành lập lại có thể lấp đi “khoảng trống” ấy và hoạt động khá tốt nếu có đội ngũ lãnh đạo năng động, dám nghĩ dám làm, nếu có một chính sách thực sự là cởi mở, bền vững…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.