| Hotline: 0983.970.780

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Thứ Tư 25/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Từ anh nông dân đa nghề…

Tôi tìm đến đình làng Mông Phụ để tìm gặp anh Chế 'Ba Vì' (tên thật là Nguyễn Văn Chế, sinh năm 1985, xã Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội), người sáng tạo nội dung "quê" trên mạng xã hội. Từ xa, tôi thấy bóng anh Chế mờ mờ trong lớp sương sớm. Một người đàn ông giản dị, mộc mạc với cái áo khoác cũ đã sờn vai, đôi dép tổ ong trên chiếc xe máy cũ mất cả yếm.

Anh phong trần hơn những gì tôi mường tượng qua những video được chia sẻ trên mạng xã hội. Anh Chế tiếp tôi ở một ngôi nhà cổ trong làng, nơi mà anh vẫn thường tiếp khách tham quan.

Người đàn ông này tự xây dựng kênh Tiktok từ những mong muốn ban đầu là lưu giữ kỷ niệm cùng gia đình. Nội dung chủ yếu trên kênh là cuộc sống thường nhật của anh Chế cùng gia đình, gắn với hình ảnh ao cá, mâm cơm và nét đẹp của làng cổ Đường Lâm.

Do nhà ở và khu nhà cổ cách nhau không xa nên hằng ngày anh Chế lên nhà cổ để dọn dẹp, đón khách. Ảnh: Minh Toàn. 

Do nhà ở và khu nhà cổ cách nhau không xa nên hằng ngày anh Chế lên nhà cổ để dọn dẹp, đón khách. Ảnh: Minh Toàn. 

Trước khi bén duyên với công việc sáng tạo nội dung số, anh Chế từng có thời gian làm đủ nghề nhưng đều thất bại. “Tôi học ít, hết lớp 9 thôi. Sau tôi đi làm cơ khí, làm cây cảnh, chăn vịt… Đợt dịch Covid-19 lỗ hết, nên bây giờ chỉ trông vào ao cá thôi…”, anh Chế nói.

Hầu hết mọi chi tiêu trong gia đình đều từ lương làm “thợ may” của chị vợ. Tuy nhiên, mức lương này cũng không cố định hàng tháng (vì thu nhập theo sản phẩm). Tháng nhiều thì vợ chồng anh có 6-7 triệu đồng, tháng kém hơn thì khoảng 4 - 5 triệu đồng. Số tiền đó, anh chị phải trang trải nuôi 3 người con cùng nhiều khoản sinh hoạt phí khác.

Anh Chế hiện đang nuôi cá và hỗ trợ khách tham quan khu nhà cổ. Ảnh: Minh Toàn. 

Anh Chế hiện đang nuôi cá và hỗ trợ khách tham quan khu nhà cổ. Ảnh: Minh Toàn. 

Lúc rảnh, anh Chế quay lại những thước phim về cuộc sống thường ngày xoay quanh ao cá và những bữa cơm gia đình. Anh Chế nói: “Ban đầu tôi cũng không biết gì đâu. Mấy người em hàng xóm bảo: 'Anh có thời gian, góc nhìn từ cuộc sống cũng bình dị, chân thật. Anh cứ quay lên xem biết đâu lên xu hướng thì lại vui…' nên tôi mới bắt đầu học quay, học chỉnh sửa video, dần được nhiều người quan tâm”.

Duyên nghề thật sự đến khi anh Chế chia sẻ những video bán đồ ăn vặt ngay trước cổng nhà cổ vào dịp Tết Giáp Thìn. Những video anh đăng tải nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Từ đó, anh Chế thường xuyên đăng tải những video về cuộc sống thường nhật lên kênh của mình.

… đến nhà sáng tạo nội dung số

Xuất thân từ một nông dân chất phác, anh Chế là "tay ngang" trong công việc sáng tạo nội dung số. Người nông dân này mất rất nhiều thời gian để làm quen với công nghệ, học hỏi về cách quay, cách dựng video. Anh nói: “Những video đầu, lồng tiếng với dựng là mất nửa ngày, cả quay nữa là cả ngày, nhưng có khi còn không xong vì mình không quen. Lồng tiếng phải chép ra giấy rồi nhìn mà đọc… Nhưng đến nay thì cũng quen dần rồi”.

Mỗi video trên kênh “Chế Ba Vì” chỉ kể những câu chuyện “lông gà, vỏ tỏi” như bắt cá, cắt cỏ, chăn trâu, nướng cá, thói quen, sinh hoạt của người nông dân hay những văn hóa truyền thống của làng cổ Đường Lâm… Nội dung tưởng chừng như đơn giản nhưng đây cũng là lợi thế của anh Chế khi thành công xây dựng hình ảnh về quê hương yên bình, người nông dân mộc mạc của nông thôn. Nhờ đó, anh Chế đã “níu chân” được nhiều khán giả. Anh cho biết, kênh tiếp cận được nhiều khán giả ở đa dạng các độ tuổi từ già đến trẻ.

Kênh tiktok của anh Chế thu hút nhiều khán giả từ mọi độ tuổi. Ảnh: Chụp màn hình. 

Kênh tiktok của anh Chế thu hút nhiều khán giả từ mọi độ tuổi. Ảnh: Chụp màn hình. 

Là một người sáng tạo nội dung số, anh Chế không ít lần phải đối mặt với những ý kiến, bình luận chê bai, chế giễu. Nhưng người đàn ông này không nản: “Không tránh được, nhưng họ góp ý cái gì mình thấy hợp lý thì mình chỉnh sửa. Còn bình luận nào mà xấu, độc, mình cũng hoan hỷ thôi vì trên mạng xã hội thì muôn hình vạn trạng…”.

Ban đầu, việc sáng tạo nội dung số của anh Chế vấp phải một số phản ứng trái chiều của bà con hàng xóm. “Nhà chưa khó khăn à mà cứ quay với cót mãi…”; “Vô công rồi nghề…” là những lời nhận xét mà anh Chế phải nhận trong thời gian phát triển kênh.

Anh Chế giới thiệu những nông sản của địa phương để cải thiện thu nhập cho gia đình và hỗ trợ đầu ra cho bà con. Ảnh: Minh Toàn.

Anh Chế giới thiệu những nông sản của địa phương để cải thiện thu nhập cho gia đình và hỗ trợ đầu ra cho bà con. Ảnh: Minh Toàn.

Anh Chế cho biết: “Trước khi chuyển đổi một số video sang dạng giới thiệu nông sản của địa phương thì tôi không có thu nhập ở trên mạng. Nhiều người cũng bảo sao không nhận quảng cáo nhưng thú thật là mình học ít, cũng không biết được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm như thế nào… Chẳng may hàng kém chất lượng thì mang tiếng nên tôi chưa dám nhận…”.

Tuy nhiên, trên các video được đăng tải, nhiều người để lại bình luận rằng: “Anh Chế tìm sản phẩm nông sản nào để giới thiệu, để cải thiện cuộc sống”… Tận dụng những nông sản sẵn có của địa phương và sự quan tâm của khán giả, anh Chế đã chuyển đổi, giới thiệu một số sản phẩm của địa phương như mì gạo, tương bần, chè lam, gà mía… Vì là nông sản nên mùa nào thì thức ấy, không có sản phẩm nào là cố định theo thời gian.

Từ những ngày đầu chuyển đổi, anh Chế trở nên bận rộn hơn để đóng gói các sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Minh Toàn

Từ những ngày đầu chuyển đổi, anh Chế trở nên bận rộn hơn để đóng gói các sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Minh Toàn

Việc anh Chế chuyển đổi nội dung các video trên tiktok đã giúp tăng đầu ra cho nhiều sản phẩm nông sản của địa phương như mì gạo, tương… Anh cho biết: “Nhiều người họ bỏ nghề truyền thống vì không cạnh tranh được với những sản phẩm đã bị thương mại hóa. Mình làm thế này vừa giúp được mình, giúp được họ lại giúp lan tỏa hình ảnh quê hương đến với đông đảo người xem…”.

Tuy nhiên, bán nông sản nên lợi nhuận không nhiều, thu nhập từ nguồn này cũng chỉ giúp thêm thắt để anh Chế có thể cùng vợ trang trải các khoản sinh hoạt phí của gia đình. Anh Chế nói: “Mình không coi đây là một nghề, mà chỉ là công việc làm thêm, tiền lời thì thêm thắt còn nguồn thu nhập chính vẫn phải là ao cá”.

Nhiều người biết đến làng cổ và nếp văn hóa qua những video mà anh Chế chia sẻ. Một số người khi đến làng cổ đã liên hệ với anh Chế để “nhờ” anh nấu mâm cơm cổ truyền hoặc nghe anh chia sẻ về mảnh đất đặc biệt - đất 2 vua này. Nhờ đó, anh Chế cũng có nhiều dự định: “Kênh phát triển tốt thì mình sẽ tu sửa nhà cửa vì nhiều người cũng đề xuất cho học sinh tham quan, trải nghiệm cuộc sống nông thôn nhưng vì nhà cửa còn khó khăn, cơ sở vật chất còn chưa tốt nên mình chưa dám nhận…”.

Khi này, mặt trời đã lên quá đầu. Tôi chào anh Chế rồi ra về. Người nông dân ấy đưa tôi ra đầu làng rồi chạy vội về để đóng hàng gửi đi cho khách. Tôi rời làng cổ, trong đầu cứ văng vẳng câu chào: "Em Chế Ba Vì xin chào mọi người...". Tôi ấn tượng bởi sự mộc mạc, chân chất của anh. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.