| Hotline: 0983.970.780

'Chuyện tình khó quên' của người viết ca khúc 'Bông hồng cài áo'

Thứ Bảy 19/08/2023 , 08:28 (GMT+7)

 'Chuyện tình khó quên' trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 19/8 hé lộ duyên nợ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả của ca khúc 'Bông hồng cài áo' bất hủ.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả ca khúc 'Bông hồng cài áo'.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả ca khúc "Bông hồng cài áo".

“Chuyện tình khó quên” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bắt đầu từ một lần tình cờ ông nghe nữ sinh Viện Đại học Vạn Hạnh hát ca khúc “Bông hồng cài áo”. Đã nhiều người trình bày tác phẩm này, nhưng nữ sinh nhỏ nhắn ấy lại có một kiểu thể hiện rất giàu cảm xúc, khiến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có ấn tượng sâu sắc. Và nữ sinh có tên Diệu Lý cũng ngỡ ngàng khi biết tác giả ca khúc “Bông hồng cài áo” lại chính là người thầy giáo lặng lẽ mà mình thường gặp trong sân trường.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 - 2009) quê ở An Nhơn, Bình Định. Còn nữ sinh Diệu Lý quê ở Quy Nhơn, Bình Định. Tình đồng hương cộng với sự ngưỡng mộ đã kết nối nữ sinh Diệu Lý với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lớn hơn 20 tuổi.

Khi ấy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đang phụ trách văn nghệ ở Viện Đại học Vạn Hạnh. “Chuyện tình khó quên” giữa họ là những ngày chàng đàn nàng hát. Với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nữ sinh Diệu Lý tự tin trở thành ca sĩ Diệu Lý. Không chỉ thường xuyên đưa “Bông hồng cài áo” lên sân khấu, ca sĩ Diệu Lý còn đưa trường ca tâm đắc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có tên gọi “Những trang sử Việt Nam” đến với công chúng.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khởi nghiệp với ca khúc “Nắng lên sớm nghèo”, viết năm 15 tuổi. Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tham gia cách mạng, và làm công tác tuyên huấn ở quân khu 5. Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tốt nghiệp Trường Âm nhạc Sài Gòn và đi dạy học ở Đà Nẵng. Năm 1965, vì dự phần vào phong trào đấu tranh Phật giáo, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam. Trong tù, ngoài những ca khúc hào hùng như “Hỡi hồn mẹ Việt Nam”, “Mặt trời vừa thức dậy” hay “Hòa bình ơi, hãy đến”, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn mượn ý từ tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh để viết thành ca khúc “Bông hồng cài áo” đánh thức và nâng niu lòng hiếu thảo vốn có ở người Việt Nam.

Ca khúc 'Bông hồng cài áo', bản in năm 1972.

Ca khúc "Bông hồng cài áo", bản in năm 1972.

Năm 1967, ca khúc “Bông hồng cài áo” được công diễn lần đầu tiên, và nhanh chóng trở thành bài hát quan trọng nhất trong lễ Vu Lan của cộng đồng: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng thêm...”.

Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý tổ chức một đám cưới đơn sơ và ấm áp. Hạnh phúc ấy, chính là chất xúc tác để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết ca khúc “Bến duyên lành” thổn thức: “Về nơi đây xem bóng cò bay, xem nắng lên vàng cây, xem lúa xanh mùa cấy. Yêu thương nhau tay giữ lấy bàn tay, dù mai sau mưa nắng có phai màu. Này trăng ơi, vui mái chèo đôi, trăng thắm duyên tình tôi, trăng ấm êm cuộc đời…”.

Ca sĩ Diệu Lý (trái) trong một chương trình ca nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Ca sĩ Diệu Lý (trái) trong một chương trình ca nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Sau khi trở thành vợ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ca sĩ Diệu Lý vừa làm giáo viên tiểu học vừa đi hát. Ca sĩ Diệu Lý từng 3 lần đoạt Huy chương Vàng đơn ca toàn quốc vào các năm 1981, 1983 và 1985.

Ca sĩ Diệu Lý chia sẻ: “Có người nói tôi hát những bài của anh Phạm Thế Mỹ nhưng lại giống như tôi sáng tác, bởi vì tôi là người hiểu rõ quá trình sáng tác của ông, tôi hiểu tâm tư tình cảm và những điều mà ông muốn truyền tải thông qua bài hát”.

Ngoài ca khúc bất hủ “Bông hồng cài áo”, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn có gần hàng chục ca khúc quen thuộc với giới mộ điệu như “Thương quá Việt Nam”, “Đường về hai thôn”, “Thuyền hoa”, “Tóc mây”, “Chuyến tàu về quê ngoại”, “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”... Qua tuổi 70, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị tai biến.

Ca sĩ Diệu Lý nhớ lại: “Những năm cuối đời, chồng tôi cử động rất khó khăn, nhưng ông vẫn gắng gượng sáng tác. Tôi và con trai phải hỗ trợ ông việc ký âm ca khúc. Rồi tôi ôm đàn hát lại cho chồng tôi nghe, để ông chỉnh sửa đúng ý mình. Mãi đến khi không sáng tác được nữa, ông vẫn muốn tôi hát lại cho ông nghe những ca khúc mà ông từng viết. Lần nào cũng vậy, tôi hát xong thì thấy nước mắt rơi dài trên khuôn mặt ông. Đối với chồng tôi, âm nhạc không phải danh lợi mà là chính sinh mạng ông”.

'Chuyện tình khó quên' lúc 20h ngày 19/8 trên Nông nghiệp Radio.

"Chuyện tình khó quên" lúc 20h ngày 19/8 trên Nông nghiệp Radio.

Trong không khí Vu Lan, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu những rung động ấm áp từ trái tim người đã viết ca khúc “Bông hồng cài áo”, qua câu chuyện “Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nâng niu giai điệu ở bến duyên lành” vào lúc 20h tối nay 19/8 trên Nông nghiệp Radio.

Xem thêm
Phim Việt tạo dấu ấn trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Với dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, đến rạp phim cũng là một lựa chọn không tồi dành cho các gia đình.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Các huyền thoại Brazil thua đậm trước Quang Hải và đồng đội

Đội bóng của huyền thoại Rivaldo để thua đậm trước CLB Công an Hà Nội trong trận giao hữu diễn ra vào chiều 29/4

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất