Đơn giản hóa thủ tục Cơ chế một cửa quốc gia bằng CNTT
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về công tác thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Trong những năm qua Bộ NN-PTNT đã tích cực, nỗ lực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), đến nay đã triển khai kết nối trên hệ thống một cửa quốc gia tổng số 22/33 thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực (kiểm dịch động vật, thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng, Cites…) tại 7 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Cụ thể gồm 05 Cục (Bảo vệ thực vật, Thú y, Chăn nuôi, Trồng trọt, Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản) và 2 Tổng cục: Lâm nghiệp (Cơ quan Cites VN) và Thủy sản (Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm).
Các đơn vị đã tiếp nhận qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 974.000 hồ sơ và xử lý, cấp phép điện tử trên 884.000 hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo đúng quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị đã nhận được phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành, nhất là cơ quan Thường trực Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các cơ quan đơn vị liên quan, các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cấp phép điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia cùng với việc áp dụng chữ ký số đã thật sự thay đổi cách làm truyền thống của những cơ quan đơn vị quản lý chuyên ngành thuộc Bộ theo hướng tiếp cận ứng dụng CNTT hiện đại.
Từ đó tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, chi phí cho việc đăng ký kiểm tra và thông quan hàng hóa; đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực ASEAN, quốc tế và thực hiện cải cách hành chính.
Khó khăn, hạn chế
Tuy đã có những thay đổi mang tính tích cực nhưng công tác thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của Bộ NN-PPTN vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy trình, nghiệp vụ thực hiện các thủ tục hành chính ở các đơn vị chuyên môn, quản lý Nhà nước có sự thay đổi, không mang tính ổn định lâu dài đã ảnh hưởng đến việc duy trì vận hành kỹ thuật hệ thống.
Các đơn vị chủ yếu sử dụng đường truyền Internet nên thường bị chậm do lỗi đường truyền. Thời gian khắc phục lâu dẫn đến chậm trễ trong việc lưu chuyển hồ sơ ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Việc đồng bộ dữ liệu để kết nối thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đối với các thủ tục thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia cần có hướng dẫn sớm của cơ quan thường trực…
Phần mềm hạn chế dung lượng files đính kèm các bộ hồ sơ (tối đa là 2 MB) ảnh hưởng tới việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia của các Bộ, ngành.
Tốc độ khai báo, tải tài liệu lên hệ thống một cửa quốc gia còn chưa nhanh, cần có đánh giá tổng thể liên ngành và nâng cấp hệ thống tiện ích hơn.
Chức năng thanh toán phí trực tuyến trên Cổng một cửa quốc gia chưa được thiết lập, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán phí. Hồ sơ khai tập trung trên Cổng một cửa quốc gia, Phí hồ sơ thì lại thực hiện trực tiếp với các đơn vị kiểm tra chuyên nghành, gây rất nhiều khó khăn, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc Bộ chưa đồng bộ, nhất là triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, cửa khẩu biên giới.
Một số đơn vị còn chưa thật sự hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nội dung, mô hình và các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ tin học.
Do yêu cầu của nước nhập khẩu, trên thực tế một số cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn phải cấp chứng thư giấy do chưa có sự công nhận lẫn nhau.
Thêm một hạn chế nữa là thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của các Bộ ngành chức năng về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thuê thiết bị công nghệ…
Việc cấp chứng thư theo Cơ chế một cửa quốc gia cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường: Brazil, Argentina, Indonesia, New Zealand và Panama hiện vẫn chưa được áp dụng chính thức trên hệ thống một cửa quốc gia...
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban 1899 là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PTNT trong tiến trình cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành NN-PTNT. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia của Bộ NN-PTNT đem lại hiệu quả và nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước chuyên ngành.