
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng làm việc với Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ngày 28/3. Ảnh: VIAEP.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang tái cấu trúc theo hướng kinh tế nông nghiệp hiện đại, đổi mới mô hình nghiên cứu - chuyển từ hành chính bao cấp sang vận hành linh hoạt, hiệu quả theo cơ chế thị trường - là yêu cầu cấp thiết. Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - đơn vị đầu ngành về cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch - cần có một bước đột phá chiến lược, để trở thành mô hình kiểu mẫu của một doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tiễn sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
Tư duy mới: Nghiên cứu phải gắn với tạo giá trị thị trường
Trong nhiều năm qua, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp hàng trăm giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế vận hành hành chính - bao cấp truyền thống dần bộc lộ hạn chế: kết quả nghiên cứu ít được thương mại hóa, khó tiếp cận doanh nghiệp và chưa gắn chặt với yêu cầu thị trường.
Vì vậy, Viện cần thay đổi mạnh mẽ: chuyển từ tư duy "hoàn thành nhiệm vụ" sang "tạo ra giá trị". Nghiên cứu không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn phải trả lời được câu hỏi: ai sử dụng, thị trường ở đâu, giá trị kinh tế ra sao? Đây cũng là tinh thần chủ đạo của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy sáng tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
Trong năm 2024, Viện đã chuyển giao 12 quy trình bảo quản nông sản cho 8 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã tại các tỉnh phía Bắc, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch từ mức 20% xuống còn dưới 8% - đây là minh chứng rõ ràng cho hướng đi đúng đắn. Ngoài ra, Viện cũng hợp tác với một số doanh nghiệp chế biến nông sản lớn để nghiên cứu và triển khai công nghệ sấy lạnh tiên tiến, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hướng tới mô hình doanh nghiệp nghiên cứu khoa học: tự chủ thị trường - đổi mới
Khái niệm “doanh nghiệp nghiên cứu khoa học” trong bối cảnh Viện hiện nay không có nghĩa là chuyển sang mô hình công ty cổ phần, mà là tái cấu trúc cơ chế vận hành theo hướng linh hoạt, tự chủ tài chính, định hướng thị trường và coi sản phẩm nghiên cứu là “sản phẩm công nghiệp” có thể thương mại hóa.

Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cần có một bước đột phá chiến lược. Ảnh: VIAEP.
Theo tinh thần Nghị quyết 57, Viện cần thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa các quy trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Viện có thể hình thành các spin-off - doanh nghiệp công nghệ phát triển từ kết quả nghiên cứu, giúp mở rộng ứng dụng vào thực tiễn và tạo doanh thu bền vững.
Dẫn dắt hiện đại hóa nông nghiệp: từ máy móc đến chuỗi giá trị
Cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch không chỉ dừng lại ở việc phát triển máy móc, mà còn phải hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững. Việc tích hợp các công nghệ thông minh vào sản xuất và chế biến sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản, giảm thất thoát và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Với lợi thế về nhân lực, nền tảng nghiên cứu và mạng lưới hợp tác sâu rộng, Viện cần tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp, từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch đến bảo quản và chế biến. Đặc biệt, cần ưu tiên các công nghệ tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện canh tác nhỏ lẻ, giúp nông dân tiếp cận dễ dàng và hiệu quả.

Tích hợp các công nghệ thông minh vào sản xuất và chế biến sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản. Ảnh: VIAEP.
Viện cũng cần phát triển mạnh công nghệ nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất và chế biến. Việc sử dụng cảm biến thông minh trong bảo quản và chế biến giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu, đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị nông sản theo tinh thần đổi mới sáng tạo của Nghị quyết 57.
Kết nối thị trường - gắn bó với địa phương và doanh nghiệp
Muốn chuyển đổi thành công, Viện cần đẩy mạnh mô hình nghiên cứu gắn với thực tiễn. Không nghiên cứu trong phòng kín, mà đồng hành với địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã từ đầu đến cuối chuỗi.
Các chương trình hợp tác, mô hình trình diễn công nghệ, đào tạo kỹ thuật viên địa phương, chuyển giao quy trình - thiết bị phù hợp với từng vùng sinh thái sẽ là những bước đi cụ thể để đưa nghiên cứu vào cuộc sống. Đề xuất hình thành “vùng đổi mới công nghệ nông nghiệp trọng điểm” tại một số địa phương chiến lược, do Viện dẫn dắt về kỹ thuật và vận hành, sẽ tạo mô hình kiểu mẫu cho hợp tác công - tư, giúp lan tỏa công nghệ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Đối mặt thách thức - kiến tạo giải pháp
Việc chuyển từ cơ chế hành chính - bao cấp sang vận hành như doanh nghiệp khoa học là hành trình không đơn giản. Thách thức lớn nhất hiện nay là:
+ Tư duy thị trường còn yếu trong một bộ phận cán bộ
+ Cơ chế tài chính còn ràng buộc, khó khuyến khích đổi mới
+ Thiếu nguồn vốn đầu tư ban đầu cho thương mại hóa nghiên cứu
+ Khó khăn trong tuyển dụng, giữ chân nhân lực trẻ chất lượng cao
Vì vậy, cần có những cơ chế hỗ trợ song hành, gồm:
+ Thí điểm mô hình viện nghiên cứu công lập tự chủ toàn diện
+ Thành lập Quỹ đổi mới công nghệ nông nghiệp quy mô quốc gia
+ Ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu từ viện công
+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và nguồn lực kỹ thuật
Tầm nhìn đến năm 2030: Doanh nghiệp khoa học dẫn dắt nông nghiệp hiện đại
Với định hướng đổi mới mô hình vận hành, tư duy nghiên cứu và kết nối thị trường, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp nghiên cứu khoa học công lập dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực cơ giới hóa, chế biến sâu và chuyển đổi số nông nghiệp.

Muốn chuyển đổi thành công, Viện cần đẩy mạnh mô hình nghiên cứu gắn với thực tiễn. Ảnh: VIAEP.
Không chỉ là nơi nghiên cứu, Viện sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghệ - nơi hội tụ trí tuệ, đổi mới và năng lực thương mại hóa, tạo ra những giải pháp thực tiễn, khả thi và có sức lan tỏa trong hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam.
Chuyển từ tư duy hành chính, bao cấp sang mô hình doanh nghiệp khoa học là bước đi mang tính sống còn. Viện không chỉ cần đổi mới, mà cần dám đi trước làm mẫu dẫn dắt. Có như vậy, khoa học mới thực sự là động lực của nền nông nghiệp giá trị cao, xanh, bền vững và hội nhập quốc tế, đúng theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.