Sáng 1/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến kết quả tăng trưởng của ngành trong Quý 1/2025 và định hướng phát triển thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến kết quả tăng trưởng của ngành trong Quý 1/2025. Ảnh: Khương Trung.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã trải qua Quý 1 đầy thử thách nhưng cũng đầy thành công, nhất là với ngành nông sản và thủy sản. Dù đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế, đặc biệt là những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc, Mỹ, Nga, và các vấn đề liên quan đến Ukraine, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì và phát triển xuất khẩu nông sản.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế có nhiều biến động, ngành nông sản Việt Nam đạt được kết quả xuất khẩu rất ấn tượng trong Quý 1 năm nay.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông sản của chúng ta đã đạt 15,71 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. “Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là đạt 64-65 tỷ USD và chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm do có tiền đề Quý 1 này, dù còn nhiều thách thức phía trước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Lãnh đạo Bộ NN-MT cũng thông tin thêm về những thay đổi trong chính sách thuế và các yêu cầu của các thị trường quốc tế. Đặc biệt là thị trường Mỹ đang áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với nhiều mặt hàng, bao gồm các sản phẩm nông sản.
Theo đó, để đối phó với những thay đổi này, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho ngành nông sản Việt Nam.
Về xuất khẩu, trong Quý 1, chúng ta cũng ghi nhận những kết quả nổi bật. Xuất khẩu thủy sản được 2,29 tỉ USD và tăng 18%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu USD, tăng 2,4 lần...
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có những mặt hàng như lúa, gạo có tăng về sản lượng nhưng giảm giá trị, còn có những mặt hàng tăng cả giá trị lẫn tăng sản lượng; cũng có những ngành giảm về sản lượng như cà phê nhưng tăng giá trị gần 50%...
Điều này chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Một yếu tố rất quan trọng là việc triển khai các giải pháp đồng bộ về quản lý chất lượng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bộ NN-MT đã phối hợp với các địa phương để triển khai các đợt kiểm tra nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo rằng sản phẩm của chúng ta đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế.
Trao đổi về chiến lược phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, chúng ta tiếp tục nhấn mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liền với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liền với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Khương Trung.
“Mục tiêu là không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn nâng cao giá trị gia tăng cũng như chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ đảm bảo sản phẩm nông sản Việt Nam không chỉ được ưa chuộng ở các thị trường truyền thống mà còn mở rộng ra các thị trường mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu, chúng ta cần chủ động ứng phó với các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển theo mô hình kinh tế xanh.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, cũng như công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Bộ NN-MT cùng với các Bộ, ngành khác sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật tình hình diễn biến của thị trường, từ đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nông sản phát triển bền vững.