Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ, ngành liên quan.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Phước Lê Trường Sơn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu mở đầu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Hoài.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vấn đề đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
“Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án quan trọng đặc biệt, là công trình trọng điểm quốc gia của ngành giao thông vận tải. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo dự án phải khởi công vào dịp 30/4/2025 nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên thông tin.
Đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên biểu dương hai tỉnh đã chủ động rà soát nhu cầu và có phương án bố trí cho cao tốc. Tuy nhiên, hai tỉnh cần có phương án dự phòng, tính toán cự ly quy hoạch phù hợp để việc thi công hiệu quả, tránh gián đoạn do thiếu nguyên vật liệu.
Tại buổi làm việc, đại diện 2 tỉnh đã báo cáo việc chuẩn bị nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, xác định khối lượng, dự kiến nguồn nguyên liệu và đề xuất phương án khai thác, sử dụng để phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả rà soát và đề xuất giải pháp xử lý chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản, dự trữ khoáng sản với dự án đường cao tốc này. Về cơ bản, 2 tỉnh đều đã chủ động khảo sát đối với các mỏ khoáng sản để phục vụ nhu cầu của dự án, đồng thời đưa ra các phương án, cũng như các đề xuất đối với những khu vực chồng lấn liên quan đến dự án.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng việc tận thu bô-xít không hiệu quả và có thể làm chậm tiến độ của dự án. Ảnh: Phạm Hoài.
Đối với Bình Phước, theo báo cáo tiền khả thi của dự án, đoạn tuyến qua tỉnh có nhu cầu khối lượng hơn 4,5 triệu m3 đá xây dựng các loại; hơn 797 ngàn m3 cát xây dựng; 11 triệu m3 đất san lấp. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vị trí bãi thải, tổng diện hơn 112 ha, có sức chứa hơn 9,85 triệu m3.
Qua rà soát, diện tích chồng lấn giữa dự án với khu vực mỏ bô-xít Thống Nhất và Thọ Sơn, huyện Bù Đăng khoảng 150,4 ha; ngoài ra còn có các khu vực chồng lấn giữa khu vực quy hoạch mỏ đất san lấp, vị trí bãi thải với mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng; chồng lấn giữa dự án cao tốc với khu vực mỏ chưa thăm dò, phê duyệt chủ trương và khu vực dự trữ khoáng sản bô-xít.
UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị không tiến hành khai thác thu hồi quặng trong diện tích chồng lấn giữa dự án với các khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ bô-xít trên địa bàn, do việc khai thác thu hồi quặng ở các khu vực này không khả thi vì khối lượng ít, chi phí cao và làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án cao tốc...
Theo đại diện tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã rà soát nhu cầu vật liệu cho đoạn cao tốc đi qua địa bàn. Tỉnh đã tính toán nhu cầu dự án thành phần liên quan đến xây dựng đường gom, cầu vượt và bồi thường, giải phóng mặt bằng, đoạn qua địa bàn tỉnh mình.
"Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài hơn 124km, trong đó có khoảng 23km đi qua Đắk Nông. Tỉnh Đắk Nông đã rà soát và xác định có khoảng 19,5km đường cao tốc đi qua mỏ bô-xít Nhân Cơ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Đắk Nông đang đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sớm khai thác để có mặt bằng phục vụ dự án", đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Nông thông tin.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị không tiến hành khai thác thu hồi quặng vì không khả thi. Ảnh: Phạm Hoài.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều kiến nghị với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Về các loại khoáng sản thông thường, hai tỉnh khẳng định nguồn nguyên liệu bảo đảm được nhu cầu cho việc xây dựng cao tốc. Lãnh đạo hai tỉnh cho rằng, việc khai thác, thu hồi quặng bô-xít tại khu vực chồng lấn không hiệu quả do khối lượng nhỏ, chi phí cao và có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông chuẩn bị từ rất sớm. Dự án này triển khai sau nên đã rút được kinh nghiệm của các cao tốc đầu tư trước đó.
Cơ bản các chính sách đặc thù đã được nêu ra, được Quốc hội đưa vào nghị quyết tháo gỡ. Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để dự án sớm triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị hai tỉnh có báo cáo cụ thể, thống nhất đề xuất không khai thác bô xít. Ảnh: Phạm Hoài.
"Vấn đề hai tỉnh đặc biệt quan tâm là việc có thu hồi bô-xít hay không trên vùng cao tốc đi qua. Hai tỉnh đã báo cáo cụ thể, chi tiết và khẳng định việc thu hồi không hiệu quả kinh tế. Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoàn toàn tán thành đánh giá này", Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thẩm quyền quyết định việc có thu hồi bô-xít hay không đã được quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Do đó, hai tỉnh cần có báo cáo cụ thể, thống nhất đề xuất không khai thác bô-xít trong vùng dự án cao tốc để Bộ Nông nghiệp và Môi trường có căn cứ quyết định, làm căn cứ triển khai.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 124,13km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước khoảng 101,03km; đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông khoảng 23,1km. Tuyến cao tốc này nhằm kết nối tỉnh Đắk Nông và Bình Phước với TP.HCM. Quy mô tuyến đường 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100-120km/h. Dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện.