Cuối tháng 12/2021, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (Sở LĐ-TB&XH) khi phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức tại Trung tâm ở số 21 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu và 657 Trường Chinh, quận Cẩm Lệ.
Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, hiện nay, tần suất tổ chức phiên online với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên được thực hiện 1 lần/tháng; riêng với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị là 2 phiên/tháng, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực lao động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sau khi giãn cách xã hội vì dịch bệnh; đồng thời mở ra nhiều cơ hội chọn lựa hơn cho người lao động, nhất là lao động các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên muốn sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
Ngoài các phiên online, Trung tâm còn duy trì liên tục các phiên chợ trực tiếp hằng tuần với số đơn vị doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu tuyển dụng đăng ký tham gia 70-100 đơn vị/phiên; đồng thời phối hợp các trường đại học, cao đẳng và quận, huyện tổ chức nhiều phiên chợ việc làm di động, đáp ứng được nhu cầu tìm việc của lao động.
Thời gian qua, trước việc nhiều người lao động có nhu cầu tìm việc làm mới, Trung tâm đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tổ chức tư vấn việc làm và giới thiệu học nghề cho người lao động tới tận từng phường, xã.
Đà Nẵng đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 160.000 - 165.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 33.000 lao động; đến năm 2020 hạ tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm bình quân 4 - 5%/năm. Để đạt vượt mục tiêu đó, mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng mời gọi rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động tham gia sàn giao dịch việc làm với hơn 30.000 vị trí việc làm trống.
Kết quả, là hàng chục nghìn lao động đã được trung tâm kết nối, giới thiệu thông qua sàn giao dịch việc làm. Từ năm 2015-2020 đã tổ chức được 187 phiên; số lượt đơn vị đăng ký tuyển dụng là 19.994 lượt; số người lao động được kết nối, giới thiệu việc làm 53.646 người.
Ngoài những kết quả tích cực từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, để chương trình “Có việc làm” thực sự lan tỏa, thành phố đã nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng để phát triển các thành phần kinh tế; hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có sản phẩm chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho vay giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, Đà Năng cũng chú trọng đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu; tiếp tục thực hiện chính sách giáo dục nghề nghiệp miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung cho đối tượng là gia đình thuộc diện chính sách, người có công cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, không còn đất sản xuất.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; phát triển nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo (trong 5 năm, giải quyết vay cho 80.000 - 100.000 lao động); tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động (trong 5 năm đưa 1.500 đến 2.000 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng).
Đà Nẵng đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 170.000 - 175.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động trong giai đoạn 2021 -2025. Để thực hiện mục tiêu trên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo việc làm mới; tiếp tục thực hiện, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phiên giao dịch việc làm định kỳ và di động; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực (giai đoạn 2021-2025, đào tạo nghề cho khoảng 250.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 50.000 lao động. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%).