Sau khi có con đập này, hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp bạc màu tại nhiều vùng đất khó ở Bình Định đã trở nên màu mỡ nhờ chủ động nước tưới, canh tác nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Con đập có ngưỡng tràn hình phím đàn piano lớn nhất thế giới
Giữa dòng sông Kôn thuộc địa bàn 2 xã Bình Tường và Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định), 1 con đập bê tông khổng lồ với thiết kế tựa phím đàn piano nằm vắt ngang dòng sông sừng sững và hoành tráng. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước, có ngưỡng tràn hình phím đàn piano.
Theo ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hợp phần khu tưới Văn Phong chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 4/2015, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542m, hệ thống kênh tưới dài 247km và hơn 3.350 công trình trên kênh.
Đập có ngưỡng tràn hình phím đàn piano. |
“Đập dâng Văn Phong là một trong những công trình có thiết kế ngưỡng tràn theo kiểu phím đàn piano lớn nhất thế giới. Dự án Hợp phần khu tưới Văn Phong có tổng vốn đầu tư 1.477 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Bao gồm đập dâng Văn Phong có vốn đầu tư 598 tỉ đồng, hệ thống kênh tưới Văn Phong 711 tỉ đồng”, ông Vui cho biết.
Thiết kế phần đập tràn mang hình phím đàn piano kết hợp với đập tràn có cửa nhằm tăng lưu lượng thoát lũ cho đập, giảm ngập ở thượng lưu khi lũ về, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình. Hệ thống kênh tưới được xây dựng kiên cố, đảm bảo ổn định lâu dài và nâng cao hiệu quả tưới.
Đập Văn Phong đã đánh thức nhiều vùng đất cằn của Bình Định. |
“Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải xử lý nhiều vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là phải nghiên cứu áp dụng thi công bê tông bằng phương pháp tự đầm, một phương pháp thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng để thi công các cánh tràn piano với kết cấu mỏng, nhiều cốt thép với khối lượng bê tông lớn.
Việc thi công hệ thống kênh tưới cũng khá phức tạp, khó khăn, do dàn trải trên địa bàn rộng lớn có địa hình địa chất đa dạng. Tổng khối lượng đã thực hiện công trình là rất lớn, gồm hơn 5.300.000m3 đào đắp đất đá, hơn 397.000m3 bê tông, 5.900m3 đá xây lát, trên 9.560 tấn thép và cơ khí các loại", ông Nguyễn Hữu Vui chia sẻ.
Mang ấm no đến cho dân
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định, đơn vị được giao quản lý, vận hành, khai thác đập dâng Văn Phong, con đập này đã phát huy hết công suất thiết kế của công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình.
Kênh lấy nước phục vụ tưới tiêu từ đập dâng Văn Phong. |
“Hồ chứa nước Định Bình có dung tích thiết kế là 226 triệu m3 nước. Thế nhưng khi chưa có đập dâng Văn Phong, hồ Định Bình chỉ tưới được cho 14.000ha đất SXNN ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần của huyện Phù Cát. Rất phung phí, bởi sau khi tưới cho số diện tích nói trên, lượng nước còn lại từ hồ Định Bình xả xuống đều trôi tuột ra biển.
Từ khi có đập dâng Văn Phong, con đập này có nhiệm vụ dâng nước từ hồ Định Bình xả xuống thành cột nước cao nên có thêm 14.000ha đất SXNN ở những vùng đất khó ở Bình Định được cung cấp nước tưới. Có thể khẳng định đập dâng Văn Phong đã giúp cho hồ Định Bình phát huy tối đa hiệu quả”, ông Phú khẳng định.
Theo chia sẻ của ông Phú, trước khi đập dâng Văn Phong đi vào hoạt động, những vùng đất bạc màu ở các xã Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn) mỗi năm nông dân chỉ SX được 1 vụ lúa đông xuân, nhưng năng suất cho chẳng là bao, thời gian còn lại trong năm đồng ruộng ở đây đều bị bỏ hoang hóa vì không có nước tưới.
Khi nước của hồ Định Bình được tuyến kênh của đập dâng Văn Phong đưa về, đất đai trở nên mầu mỡ, nông dân đã có thể canh tác các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như đậu phộng (lạc), năng suất lại rất cao nhờ chủ động nước tưới, thu nhập của nông dân được cải thiện đáng kể, nhiều hộ trở nên giàu có.
Đập dâng Văn Phong nối 2 bờ sông Kôn thuộc 2 xã Bình Thành và Bình Tường như nét vẽ mỹ miều cùng với mặt nước mênh mông đã tạo điều kiện cho huyện Tây Sơn (Bình Định) phát triển du lịch. |
“Những năm gần đây, mặc dù thời tiết nắng hạn cực đoan nhưng nhờ đập Văn Phong tiếp nước hồ Định Bình cho lưu vực sông La Tinh nên đồng ruộng của 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ nằm trong khu tưới của hồ chứa nước Hội Sơn không bị hạn đe dọa như những năm trước đó”, ông Phú cho biết thêm.
Nông dân Thái Văn Nhị ở thôn Xuân An, xã Cát Tường (huyện Phù Cát), cho biết trước khi có nước của đập Văn Phong, 6 sào ruộng của gia đình ông thường bị bỏ hoang sau khi làm vụ đông xuân.
“Trước đây, cánh đồng Cải Tạo và đồng Gò Cà chỉ sạ vụ ĐX mà cũng bị hụt nước; đến vụ hè phải bỏ hoang cho bò đứng chứ không làm gì được. Từ khi có kênh Văn Phong, ruộng ở đây được sạ đều hết, nước rất dồi dào và ổn định, nông dân rất phấn khởi. Có nước về, bà con yên tâm sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập, được ổn định về kinh tế”, ông Nhị bộc bạch.
Không chỉ vậy, cột nước cao của đập dâng Văn Phong đã bổ sung mạch nước ngầm cho những vùng đất thường xuyên bị cạn kiệt nước sinh hoạt vào mùa khô như 2 xã Bình Tân và Bình Thuận (huyện Tây Sơn) và một số vùng đất khó ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Nhờ đó, cả những năm hạn hán gay gắt, nước giếng ở những vùng đất trên không bị cạn kiệt.
Một tuyến kênh chính của đập dâng Văn Phong |
“Đặc biệt, đập dâng Văn Phong nối 2 bờ sông Kôn đoạn chảy ngang huyện Tây Sơn như một nét vẽ mỹ miều, hơn thế, nhờ có đập dâng Văn Phong dâng nước nên đoạn sông này như được khoác lên mình “chiếc áo thủy mặc” cực đẹp với mênh mông sóng nước, mở ra hướng cho huyện bán sơn địa này phát triển du lịch”, ông Đỗ Văn Sĩ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn bộc bạch.
“Sau khi được UBND tỉnh Bình Định giao trọng trách quản lý, khai thác đập dâng Văn Phong, chúng tôi đã bố trí tại đây 10 cán bộ túc trực 100% để vận hành, điều tiết lũ. Vì đây là công trình thủy lợi hiện đại nên ngoài các cán bộ là kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, chúng tôi còn bố trí nhiều cán bộ là kỹ sư các ngành cơ khí và ngành điện để vận hành tốt công trình”, ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định. |