| Hotline: 0983.970.780

Sông Hồng đang bị bóp nghẹt: Đề xuất xây dựng ngay 2 đập dâng

Thứ Tư 31/07/2019 , 08:54 (GMT+7)

Các nhà khoa học hàng đầu về thủy lợi đề xuất: Cần xây dựng ngay 2 đập dâng trên khu vực hạ du sông Hồng đoạn qua Hà Nội mới có thể ứng phó được một cách bền vững với tình trạng hạ thấp dòng chảy.

16-27-13_1
Vị trí đề xuất xây đập dâng trên sông Hồng đoạn qua cống Xuân Quan.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ SX và sinh hoạt, đồng thời có thể làm “sống lại” các dòng sông đã bị ô nhiễm nặng nề tại Hà Nội hiện nay.
 

Chưa có giải pháp căn cơ để ứng phó lâu dài

Với thực trạng lòng sông Hồng ngày càng hạ thấp, những năm gần đây, việc lấy nước phục vụ cho SX nông nghiệp tại các tỉnh hạ du sông Hồng hết sức khó khăn, nhất là những năm ít mưa, mùa khô kéo dài. Vào vụ ĐX hàng năm, ngành thủy điện phải xả từ 2-3 đợt tăng cường để phục vụ lấy nước đổ ải, tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn thường xuyên gặp khó khăn trong việc lấy nước do tình trạng đáy cống và chõ trạm bơm cao hơn nước sông.

Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp đã được triển khai như: Đầu tư lắp đặt các trạm bơm dã chiến; nạo vét luồng lạch, hạ thấp cốt đáy các công trình lấy nước dọc sông Hồng.

Hiện nay, các trạm bơm dọc sông cũng đang được tiến hành sửa chữa nâng cấp nhằm hạ cao trình lấy nước như các trạm bơm Bạch Hạc, Đại Định (Vĩnh Phúc), các trạm bơm Trung Hà, Đan Hoài, Hồng Vân (Hà Nội). Các trạm bơm như Thụy Phú 2 (Phú Xuyên), trạm bơm Liên Mạc (Từ Liêm) của Hà Nội cũng đang được xây dựng hoặc đang chuẩn bị đầu tư...

Tuy nhiên, việc hạ thấp cao trình đáy sông Hồng như những năm gần đây vẫn chưa thấy có dấu hiện dừng lại. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các trạm bơm với cao trình bể hút thấp, thậm chí đặt các trạm bơm ra ngoài sông như trạm bơm Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội), trạm bơm Phú Mỹ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng chưa chắc đã hiệu quả. Trong khi đó, giải pháp dùng trạm bơm dã chiến chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có kinh phí để xây dựng lại các trạm bơm...

Một số giải pháp dài hơi hơn được tính tới nhằm đối phó với tình trạng mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp, đó là hạ thấp hệ thống sông, kênh mương, công trình thủy lợi trên toàn bộ các hệ thống lấy nước tự chảy từ sông Hồng như hệ thống sông Nhuệ, hệ thống Bắc Đuống, hệ thống Bắc Hưng Hải.

16-27-13_2
Vị trí đề xuất xây đập dâng tại cống Long Tửu trên sông Đuống.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho phương án này dự tính sẽ lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng để có thể hạ thấp hệ thống kênh mương từ 3-4m, chưa kể đến hàng loạt các công trình nội đồng cần phải sửa chữa theo mà không thể tính hết được. Do vậy giải pháp này không có tính khả thi.

Trong khi đó, việc phải xả nước từ các hồ thủy điện thượng nguồn hàng năm, về lâu dài sẽ gây lãng phí và tổn thất không nhỏ cho ngành điện (theo tính toán, chỉ có khoảng 20% lượng nước xả xuống, trong tổng số khoảng 5 tỷ m3 trong 1 năm là được sử dụng, còn lại chảy hết ra biển)...

Có thể nói, những giải pháp đã và đang được triển khai để đối mặt với tình trạng mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp, nguồn nước sông Hồng ngày càng tụt giảm đến nay về cơ bản chỉ mới đáp ứng được các nhu cầu trước mắt, tức thời và hạn chế về hiệu quả (mới chỉ đáp ứng trong phạm vi đối với nông nghiệp, thủy lợi). Do đó, về lâu dài, cần phải có một giải pháp tổng thể cho vấn đề an ninh nguồn nước sông Hồng, bằng giải pháp mang tính chiến lược, đa mục tiêu, phát triển bền vững.
 

Cần xây dựng ngay 2 đập dâng

Từ năm 2015-2018, đề tài độc lập cấp Nhà nước do Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL, Bộ NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu giải pháp tổng thể nhằm ứng phó với tình trạng hạ thấp mực nước về mùa khô và mất cân bằng thoát lũ (phân lưu qua sông Đuống) vùng hạ du sông Hồng, đảm bảo khai thác đa mục tiêu cả về môi trường sinh thái, kinh tế xã hội, giao thông thủy... trên hệ thống sông Hồng.

Theo đó, các nhà khoa học hàng đầu về thủy lợi của Việt Nam tham gia đề tài nghiên cứu này đã thống nhất đề xuất về việc cần phải triển khai xây dựng ngay đồng thời 2 công trình đập dâng, kết hợp điều tiết tỉ lưu trên hệ thống sông Hồng đoạn qua Hà Nội gồm: Cống Long Tửu trên sông Đuống (cao trình đỉnh cửa van điều tiết khoảng +2.0) và công trình điều tiết tại hạ lưu cống Xuân Quan trên sông Hồng (cao trình đỉnh cửa van điều tiết khoảng +2.5÷2.6).

16-27-13_3
Mô phỏng thiết kế đập dâng tại cống Long Tửu.

Theo GS.TS Trần Đình Hòa (Phó GĐ Viện KHTL Việt Nam), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu: Việc xây dựng trước mắt đồng thời 2 đập dâng này sẽ đồng thời giải quyết được một cách căn cơ, tổng thể nhiều vấn đề:

Vấn đề hạ thấp lòng dẫn do nguyên nhân sụt giảm lượng phù sa từ các hồ chứa thượng nguồn kết hợp với khai thác cát cũng đã từng xảy ra với nhiều quốc gia khác trên thế giới như sông Loire (Pháp), sông Murray (Úc), Cosi (Ấn Độ), các sông trên miền bắc nước Mỹ... Theo đó, giải pháp đập dâng cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng để khắc phục tình trạng này.

Trước hết là giải quyết được vấn đề lớn nhất của sông Hồng về mùa kiệt, đó là tình trạng suy giảm nguồn nước và tình trạng bị hạ thấp mực nước.

Việc bố trí đồng thời 2 cụm công trình trên sẽ có tác dụng hạn chế tỷ lệ phân lưu mùa kiệt vào sông Đuống, đảm bảo đủ lưu lượng trên sông Hồng cấp cho các công trình thủy lợi sau khu vực cửa Đuống.

Đồng thời, 2 hệ thống đập dâng sẽ giúp nâng cao mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong trường hợp nguồn nước được cấp về từ thượng nguồn có thể bị giảm sút hoặc không đảm bảo yêu cầu cho các công trình lấy nước. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng được lượng nước xả từ các hồ chứa nước thượng nguồn để điều tiết để cấp nước cho SX nông nghiệp, vốn là ngành SX có nhu cầu nước lớn nhất và cũng là thế mạnh của vùng kinh tế Bắc Bộ.

Công trình sẽ khắc phục triệt để việc thiếu nước của các hệ thống thủy nông lớn, không chỉ đảm bảo yêu cầu mực nước thiết kế cấp nước tưới cho các công trình thủy lợi lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ, mà còn sử dụng triệt để về khả năng của nguồn nước trên sông Hồng trước khi để nó chảy ra biển.

Đây là giải pháp mới, hiện đại, nhưng cũng có tính khả thi cao, giúp tiết kiệm được chi phí khi không phải sử dụng các giải pháp như trạm bơm dã chiến, xả nước từ hồ chứa…

16-27-13_4
Phối cảnh đập dâng trên sông Hồng tại cống Xuân Quan.

GS.TS Trần Đình Hòa cũng khẳng định, kết cấu đập dâng nước thực chất là các cửa van điều tiết và nằm hoàn toàn trong phạm vi lòng sông mùa kiệt. Về mùa lũ, các cửa điều tiết được kéo lên hoặc nằm chìm đáy, do đó không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy về mùa lũ. Việc thiết kế, kết cấu các đập cũng sẽ đồng thời có các công trình đi kèm như âu tàu, đảm bảo cho việc lưu thông giao thông đường thủy bình thường. Không những thế, việc duy trì một mực nước tương đối cao và ổn định sẽ giúp giao thông đường thủy thuận lợi hơn trên sông Hồng...

Chủ động dâng mực nước vào các hệ thống sông Hà Nội

Hiện nay, do thiếu đầu cung cấp nước nên các hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống sông thuộc chi lưu sông Hồng (như sông Đáy, sông Nhuệ...) không có dòng chảy thường xuyên, các sông hồ của Thủ đô đều bị ô nhiễm rất trầm trọng.

Việc xây dựng 2 đập dâng điều tiết nước trên sông Hồng do đó sẽ chủ động dâng mực nước vào các hệ thống sông trong thành phố, có tác dụng duy trì dòng chảy thường xuyên, “thau rửa” các con sông bị ô nhiễm đảm bảo cho môi trường trong khu vực được cải thiện...

Vì vậy, giá trị đặc biệt, rất khó tính được bằng tiền đó là sau khi xây dựng 2 công trình điều tiết nước trên sông Hồng, sẽ góp phần rất lớn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các sông nhánh của sông Hồng, trên các hệ thống thủy lợi cũng như hệ thống tiêu thoát nước cho TP Hà Nội – đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình điều tiết sẽ tạo thành một hồ chứa nhân tạo, tạo nên một cảnh quan, phát triển du lịch cho vùng ven sông và trên sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội, đặc biệt là kết hợp được với các dự án quy hoạch chỉnh trị hai bên bờ sông Hồng.

(GS.TS Trần Đình Hòa)

 

[video] Mô phỏng nguyên tắc và quy trình vận hành của đập dâng trên sông Hồng

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.