"Kết quả được thực hiện bởi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Theo đó, vi khuẩn Bacillus Cereus được tìm thấy trong canh chua giá đỗ đang được xác định là nguyên nhân nghi ngờ cao nhất. Các triệu chứng lâm sàng mà công nhân gặp phải cũng phù hợp với nhận định này", ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, cho biết.
Tuyên bố của ông Trung được đưa ra trong Tại hội nghị trực tuyến về phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/5.
Tổng cộng có 438 công nhân ngộ độc vào viện, với hai triệu chứng chính là nôn và đi ngoài nhiều lần, bệnh nhân nhanh chóng đến và nhanh chóng hết triệu chứng trong 1 đến 2 ngày. Đến sáng 21/5, không còn bệnh nhân nào còn điều trị ở viện.
Ngày 14/5, tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho khoảng hơn gần 3.000 công nhân ăn trưa thành 2 ca (ca 1 có khoảng hơn 1.000 suất, ca 2 có khoảng 2.000 suất). Suất ăn do công ty này tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối…
Ông Trung cho rằng cơ quan y tế “không thể kiểm tra hết được hiện tượng thực phẩm đi lòng vòng”. Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết đơn vị đặt rau cung cấp cho bếp ăn nhưng rau lại mua ở chợ. Món canh chua giá đỗ tìm thấy vi khuẩn có độc tố gây nôn, tiêu chảy, gồm giá đỗ, hành lá, rau mùi, nước và quả chua...
"Khi thiếu 6kg giá đỗ, nhân viên của công ty được hợp đồng với nhà máy lại ra chợ ngay ở Vĩnh Yên mua thêm 6 cân. Đây là lỗ hổng, hiện chúng tôi đang tiếp tục truy xuất và báo cáo thêm các bên liên quan", ông Trung nói.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết kết quả truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cho thấy nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng truy xuất đến cùng đơn vị cung cấp này lại mua ở chợ không có giấy phép, không kiểm soát được chất lượng.
"Kết quả điều tra cho thấy phần chả lụa được cung cấp tại một công ty tại Hà Nội truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, truy xuất sâu hơn thì thịt lợn để làm chả lại được cơ sở mua tự do tại chợ không kiểm soát được. Các món rau, hành, súp lơ, ớt chuông, rau mùi cũng được nhà cung cấp mua tại chợ dân sinh không có giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng, phiếu giao nhận thực phẩm", ông Long nói.
Ý kiến của Sở Y tế Vĩnh Phúc và Cục An toàn thực phẩm, phù hợp với những tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Các công nhân ngộ độc nói họ nghi ngờ thực phẩm thiu thối do mua với giá tiền chỉ 15.000 đồng mỗi suất.
Thực phẩm mà các đơn vị cung cấp cho Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam được mua ở chợ tạm, chợ dân sinh. Điều kiện vệ sinh ở chợ tạm tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên là rất tệ hại.
Thịt cá, rau quả nhiều chỗ bày trên đất. Chỗ mổ cá chỉ là bao xi măng đặt trên nền đất. Cả chợ bốc mùi tanh hôi. Phản ánh việc này đến UBND phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Toàn bộ phường đang bận họp. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra sau”.
UBND phường Đồng Tâm biết C.N là doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho khu công nghiệp Khai Quang, song việc vệ sinh an toàn thực phẩm thì “do chợ tạm, phường sẽ cử cán bộ phụ trách vấn đề này xác minh”.
Sẽ mất bao lâu để xác minh, bao nhiêu lần ngộ độc nữa, thì Sở Y tế và các ban ngành ở Vĩnh Phúc mới thôi “bận”. Việc thực phẩm không sạch, rõ ràng là chuyện lâu nay vẫn thế, không phải mới một hai ngày.