Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu phân bón (DN phân bón) đang vô cùng khốn đốn bởi những công văn của Cục Trồng trọt yêu cầu ngừng nhập khẩu, hoặc đề nghị các sở NN-PTNT… thu hồi và hủy thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đến khi tổ chức chứng nhận được “Phê duyệt tài liệu quy định đánh giá” cho phù hợp thông tư 41/2014…”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NNVN các tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón được chỉ định hoạt động trong bối cảnh như “ma trận”, thậm chí trái luật.
Lý do nào để Cục Trồng trọt đã cho ban hành công văn được cho là “tréo ngoe” khiến cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý khốn đốn, dở khóc dở cười…
Công văn được cho là “lạ đời” của Cục Trồng trọt khiến doanh nghiệp khốn khổ
“Ma trận” chứng nhận hợp quy phân bón
Chứng nhận hợp quy phân bón (chứng nhận) hiểu nôm na là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trước khi đưa sản phẩm lưu thông ra thị trường.
Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 4 loại phân bón gồm Ure, DAP, Kali, SA là có quy chuẩn quốc gia, DN chỉ cần tuân thủ theo đó để công bố hợp quy…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện tại việc chứng nhận đang có quá nhiều bất cập và dường như đang hoạt động trái với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật năm 2007 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007.
Bởi lẽ theo Luật Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện bắt buộc đối với phân bón. Và căn cứ để chứng nhận hợp quy là quy chuẩn kỹ thuật VN (QCVN) quy định chất lượng phân bón được phép sản xuất theo Luật Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa có một QCVN quy định về chất lượng phân bón nào ngoài 4 sản phẩm Ure, DAP, Kali, SA như đã nói ở trên.
Vậy nên, từ khi Luật Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật có hiệu lực, việc chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón rõ ràng không phù hợp. Bởi theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, “tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.
Thế nên, Phòng Quản lý chất lượng tham mưu lãnh đạo Cục Trồng trọt chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp chứng nhận các nội dung quy định tại phụ lục thông tư (TT) 36/2010 (V/v ban hành quy định SX-KD và sử dụng PB) trước đây, hiện thay thế bằng phụ lục TT 41/2014 (V/v: hướng dẫn một số điều của nghị định 202/2013) về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT trong khi chưa có QCVN quy định chất lượng phân bón là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Do đó, mặc dù Phòng Quản lý chất lượng và Phòng Quản lý Đất Phân bón (Cục Trồng trọt) chưa xây dựng các QCVN quy định chất lượng phân bón; nhưng tất cả các tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón tại thời điểm đó vẫn được Cục Trồng trọt chỉ định trong khi chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.
Từ những bất cập trước đó khiến cho các tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón hiện nay đang hoạt động chẳng khác nào trong một… “ma trận” vì không theo quy chuẩn nào (!). Chính vì thế, việc sai sót, tồn tại trong quá trình chứng nhận của các tổ chức nói trên là điều hiển nhiên…
Doanh nghiệp phân bón kêu cứu
Như đã nói ở trên, hoạt động chứng nhận đang thực hiện theo NĐ 202/2013, TT55/2012 và TT 41/2014 của Bộ NN-PTNT. Nghị định 202 và các thông tư nói trên không quy định tổ chức chứng nhận phải được “phê duyệt tài liệu đánh giá” nào cả.
Thế nhưng, ngày 21/7/2015 Cục Trồng trọt đã có công văn 1279/TT-ĐPB gửi Công ty Sitto Việt Nam … đề nghị tạm dừng nhập khẩu 600 tấn phân hữu cơ sinh học Uro-1 theo giấy phép nhập khẩu PB số 1183/GPNK-TT-ĐPB ngày 13/7/2015 của Cục Trồng trọt cho đến khi việc công bố hợp quy phân bón hữu cơ sinh học SITTO PHAT hợp lệ và được công bố trên website của Cục.
Ngay sau khi nhận được thông báo trên, Công ty Sitto đã có công văn “kêu cứu” gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu rõ: Công ty TNHH Sitto ký hợp đồng Chứng nhận HQPB với Trung tâm KKN PB Vùng Nam bộ số: 6/2015/HĐ-CNCL. Trước khi ký hợp đồng, chúng tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về năng lực, tính pháp lý của Trung tâm KKN PB Vùng Nam bộ. Và ngày 16/3/2015 Sitto được cấp giấy Chứng nhận Hợp quy với 7 sản phẩm PB hữu cơ và PB khác gồm: Phân bón ROOT 777, RICH FARMER, Phân hữu cơ sinh học SITTO PHAT, VITA-PLANT 999, RHODO-PHOS, AMINO KYTO và CALCIUM BORON. Do đó ngày 13/7/2015 Công ty Sitto được cấp giấy phép NKPB số 1183 đã nói ở trên.
Tuy nhiên, ngày 21/7/2015 Sitto bất ngờ nhận được công văn số 1279/TT-ĐPB của Cục Trồng trọt về tạm dừng nhập khẩu.
Đồng thời, ngày 22/7/2015 Cục Trồng trọt lại gỡ danh sách 7 sản phẩm đã nói ở trên khỏi website của Cục với lý do “Trung tâm KKN PB Vùng Nam bộ chưa được Cục Trồng trọt có văn bản phê duyệt tài liệu về chứng nhận HQPB theo quy định của TT số 41/2014”.
Sitto cho rằng, văn bản 1279/TT-ĐPB của Cục Trồng trọt chẳng khác nào “rào cản” gây khó khăn cho DN lẫn cơ quan được chỉ định hợp quy một cách phi lý.
Ngạc nhiên hơn, không chỉ DN có dấu hiệu bị làm khó mà ngay cả nhiều sở NN-PTNT cũng bức xúc về văn bản “lạ đời” của Cục Trồng trọt.
Chỉ là một văn bản hành chính nhưng lại đề nghị “thu hồi” liệu có đúng pháp luật?
Trao đổi với NNVN, một cán bộ Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: Ngày 24/7/2015 Sở có nhận được công văn 1316/TT-QLCL của Cục Trồng trọt nêu: “Với trường hợp Sở NN-PTNT Đồng Nai đã và đang thực hiện hồ sơ công bố hợp quy của các doanh nghiệp nhưng tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón hữu cơ, phân bón khác chưa được Cục Trồng trọt phê duyệt tài liệu quy định về đánh giá chứng nhận phù hợp TT 41 thì đề nghị thu hồi và hủy thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đến khi tổ chức chứng nhận được “Phê duyệt tài liệu quy định đánh giá, chứng nhận phân bón hữu cơ, phân bón khác phù hợp TT41/2014…”.
Cán bộ sở NN-PTNT này nói thẳng: Đọc xong thông báo của Cục Trồng trọt, chúng tôi rất ngỡ ngàng bởi lẽ chúng tôi tiếp nhận hợp quy và ra thông báo tiếp nhận hợp quy là theo quy trình của pháp luật. Theo đó, tất cả các hồ sơ gửi tới sở chúng tôi phải kiểm tra kỹ tính pháp lý của các sản phẩm đã được các tổ chức chứng nhận hợp quy và tính pháp lý của tổ chức chứng nhận. Tại thời điểm chúng tôi tiếp nhận công bố hợp quy, các đơn vị chứng nhận hợp quy vẫn được cấp phép là tổ chức chứng nhận nên đương nhiên hồ sơ được tiếp nhận và thông báo tiếp nhận công bố hợp quy cho doanh nghiệp.
Không những thế, công văn của Cục Trồng trọt chỉ là một văn bản hành chính nhưng nội dung lại “yêu cầu thu hồi” liệu có đúng pháp luật (?). Nếu sở thực hiện theo văn bản “chỉ đạo” của Cục Trồng trọt mà bị doanh nghiệp kiện ra tòa, chúng tôi thua ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Điều cơ bản nhất là Cục Trồng trọt trước đó đã chỉ định cho phép các tổ chức chứng nhận hợp quy và sau khi họ chứng nhận cho các doanh nghiệp xong lại nói... không hợp pháp (!).
Đó là chưa kể thời điểm chúng tôi tiếp nhận hồ sơ hợp quy của các doanh nghiệp thì các tổ chức được cấp chứng nhận hợp quy đến nay vẫn được pháp luật công nhận.
Thế nên dư luận đặt vấn đề không hiểu vì sao mà Cục Trồng trọt lại cố tình “đẻ” ra quy định phi lý nói trên để “gây khó dễ” các tổ chức chứng nhận cũng như các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cơ sở?
Ngoài ra, nếu Cục Trồng trọt cho rằng các tổ chức chứng nhận phải được “phê duyệt tài liệu”, vậy “Ai là người phê duyệt? Đơn vị nào thẩm định để phê duyệt? Cục Trồng trọt hay Bộ NN-PTNT hay Chính phủ?