| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Thứ Tư 25/12/2024 , 07:12 (GMT+7)

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Hướng đến mục tiêu cải thiện sức khỏe hệ sinh thái

Ngày 24/12, Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La đã họp để tham vấn giai đoạn chuẩn bị dự án phục hồi đất và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Tỉnh Sơn La, với địa hình vùng núi chia cắt mạnh, đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như suy giảm chất lượng đất, mất rừng và suy thoái rừng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là các phương thức canh tác chưa phù hợp, cùng với tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất nông nghiệp ở vùng cao. Những vấn đề này không chỉ đe dọa sinh kế của cộng đồng địa phương mà còn ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, vốn phụ thuộc vào hệ sinh thái trong khu vực.

Dự án “Phục hồi đất và cải thiện sinh kế tại Việt Nam” tại tỉnh Sơn La (dự án RESTORE Sơn La) tập trung xây dựng một cảnh quan hài hòa, nơi các hoạt động nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học có thể cùng tồn tại và phát triển. Dự án hướng đến mục tiêu cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, nâng cao khả năng chống chịu cho cộng đồng địa phương, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững thông qua việc phục hồi đất và hệ sinh thái tại các khu vực mục tiêu.

Mô hình canh tác cà phê đơn canh dự kiến được chuyển đổi sang phương thức trồng nông  lâm kết hợp với các loài cây trám, giổi, lát hoa. Ảnh: Danh Tĩnh - Dự án SNV.

Mô hình canh tác cà phê đơn canh dự kiến được chuyển đổi sang phương thức trồng nông  lâm kết hợp với các loài cây trám, giổi, lát hoa. Ảnh: Danh Tĩnh - Dự án SNV.

Dự án tập trung triển khai bốn mô hình chính nhằm đạt được hiệu quả toàn diện: Nông lâm kết hợp: đáp ứng các yêu cầu của quy định sản xuất không mất rừng của châu Âu (EUDR) và các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế, bao gồm xen canh và bảo tồn các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao.

Làm giàu rừng: trồng các loài cây bản địa tại các khu vực đất trống thuộc rừng phòng hộ nhằm nâng cao chất lượng rừng, tạo kết nối sinh thái và tăng cường bảo tồn.

Tăng cường quản lý cảnh quan và thúc đẩy hợp tác công tư: kết hợp các bên liên quan để huy động đầu tư và phối hợp hành động nhằm phục hồi cảnh quan; phát triển hệ thống thị trường và chuỗi giá trị toàn diện cho các mô hình canh tác.

Trồng rừng sản xuất và rừng đầu nguồn: khôi phục đất nương rẫy thoái hóa, đất lâm nghiệp và các khu vực đầu nguồn chưa có rừng. Mô hình cũng bao gồm việc thiết lập các vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân; xây dựng các phương pháp giám sát hiệu quả và tiết kiệm chi phí để theo dõi các thay đổi về đa dạng sinh học trong khu vực.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Quản lý dự án RESTORE Sơn La, chương trình hiện đang bước vào giai đoạn khảo sát và lên kế hoạch cụ thể. Dự án sẽ mang lại những kết quả tích cực, hỗ trợ khoảng 15.000 hộ dân, phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích, vừa phục vụ kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Phát triển chuỗi giá trị bền vững nhằm tăng năng suất cây trồng và cải thiện thu nhập cho người dân.

Tạo hình mẫu cho các sáng kiến phát triển bền vững vùng nông thôn

Dự án cũng đặt mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn vàng (Gold standard) trong việc bảo vệ môi trường và xã hội, đảm bảo rằng cây trồng chỉ được phát triển trên đất có tính pháp lý rõ ràng, không có tranh chấp.

Cam kết tuân thủ nguyên tắc “sự đồng thuận tự nguyện, biết trước và được thông tin đầy đủ” (FPIC) là một trong những điểm nhấn quan trọng của dự án. Điều này đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng địa phương và các bên liên quan được lắng nghe và tích hợp vào các quyết định quan trọng.

Những cánh rừng nằm trong danh mục ưu tiên của chương trình dự án. Ảnh: Danh Tĩnh - Dự án SNV.

Những cánh rừng nằm trong danh mục ưu tiên của chương trình dự án. Ảnh: Danh Tĩnh - Dự án SNV.

Các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, sẽ tham gia tích cực vào quá trình đối thoại, ra quyết định, và các sáng kiến nghiên cứu. Dự án không chỉ hỗ trợ tài chính và đào tạo cho các hộ nông dân mà còn giúp nâng cao năng lực quản lý và thực hiện các hoạt động phát triển nông thôn tại địa phương.

Các hoạt động của dự án sẽ tập trung tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Phù Yên và Mường La của tỉnh Sơn La. Đây là cơ hội để xây dựng các bài học kinh nghiệm quý báu, giúp nâng cao năng lực thể chế và cơ chế phối hợp công - tư nhằm duy trì cảnh quan bền vững và thông minh với khí hậu.

Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng phát triển hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc hiệu quả trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy các thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La đánh giá: "Dự án sẽ hướng đến giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, và giảm thiểu chất thải nông nghiệp của tỉnh Sơn La, nơi phụ thuộc vào rừng vùng cao. Đây là cơ sở tăng cường giám sát rừng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu".

Dự án “Phục hồi đất và cải thiện sinh kế tại Việt Nam” mang lại nhiều kỳ vọng cho tỉnh Sơn La phát triển về sinh kế và tạo hình mẫu cho các sáng kiến phát triển bền vững ở những vùng nông thôn Việt Nam. Điều kiện để cải thiện công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Dự án được tài trợ bởi Liên minh Xanh toàn cầu, với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) trực tiếp thực hiện. Thời gian triển khai dự kiến kéo dài 5 năm, từ tháng 5/2025 đến tháng 10/2029.

Thực hiện tại tỉnh Sơn La, bao gồm các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Mường La; các Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng huyện Thuận Châu, Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha, Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa cùng các xã liên quan. Tổng vốn đầu tư của dự án là 15.466.768 USD, tương đương gần 379 tỷ đồng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.