| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối khảo nghiệm, hợp quy

Thứ Hai 20/07/2015 , 09:49 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiến độ công bố hợp quy các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác hiện đang rất chậm./ Doanh nghiệp phân bón 'mệt phờ' vì hợp quy

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Cục Trồng trọt đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác (thuộc sự quản lý của Bộ NN-PTNT). Những thông tin tại Hội nghị cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ và phân bón khác cũng đang gặp nhiều khó khăn về công bố hợp quy.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiến độ công bố hợp quy các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác hiện đang rất chậm.

Trong số khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các Sở NN-PTNT gửi về Cục Trồng trọt, đến nay, mới chỉ có trên 200 loại được công bố hợp quy. Sự chậm trễ này, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, là do họ đang gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong công tác khảo nghiệm và công bố hợp quy. Trong khi đó, đến ngày 1/2/2016, nếu sản phẩm nào chưa được cấp phép thì sẽ buộc phải ngừng sản xuất.

Ông Hoàng Duy Hiếu, GĐ Khối Đảm bảo và Nghiên cứu Phát triển sản phẩm (Cty VEDAN), cho biết, sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng VEDAGRO của công ty này đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh gần 10 năm nay. Trong sản phẩm này, có hàm lượng N-P-K là 9-0,3-4,5.

Theo quy định trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, những sản phẩm đã có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ NN-PTNT ban hành, thì không cần phải làm khảo nghiệm lại để công bố hợp quy.

Nhưng theo quy định trong Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT (phụ lục 8), nếu hàm lượng P trong sản phẩm nhỏ hơn 2% thì không được ghi trên nhãn sản phẩm.

Do đó, trên bao bì phân bón VEDAGRO của Cty VEDAN, thành phần NPK sẽ phải sửa lại là NK, thành ra, Cty buộc phải khảo nghiệm lại phân bón này để công bố hợp quy vì bị coi là phân bón mới.

Ông Hiếu cho rằng phải khảo nghiệm lại sẽ là bất hợp lý bởi công thức, thành phần của sản phẩm không hề thay đổi. Nếu phải làm khảo nghiệm sẽ gây tốn kém không nhỏ cho doanh nghiệp vì thời gian làm khảo nghiệm là 1 năm trời. Không những thế, nếu phải làm khảo nghiệm lại để công bố hợp quy, doanh nghiệp sẽ buộc phải tạm ngưng sản xuất loại phân bón này, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.

Việc công bố hợp quy còn làm cho các doanh nghiệp phải lúng túng hơn nữa. Ông Võ Quốc Khánh, PGĐ Cty Thiên Sinh cho hay Cty này có một loại phân bón lá dạng lỏng, đã được Bộ NN-PTNT công nhận, được sản xuất và đưa ra thị trường đã 20 năm nay. Từ khi Nghị định 202 có hiệu lực đến giờ, Cty Thiên Sinh không thể công bố hợp quy được cho loại phân bón này.

Bởi theo những quy định mới, phân bón có thành phần hữu cơ thuộc 3 dạng sau: phân hữu cơ khoáng (hữu cơ trên 15%, NPK trên 8%), khoáng hữu cơ (hữu cơ dưới 15%, NPK trên 18%), hữu cơ vi sinh vật (NPK dưới 8%, phải có vi sinh vật).

Sản phẩm đó của Cty Thiên Sinh là dạng lỏng nên không có hữu cơ và vi sinh vật, hàm lượng NPK lại dưới 18%. Thành ra không thể xếp nó vào 1 trong 3 loại phân bón có thành phần hữu cơ như trên. Do đó, bên ngành công thương hay bên ngành nông nghiệp đều đã từ chối tiếp nhận công bố hợp quy cho sản phẩm này.

Bên cạnh đó, có những quy định trong Nghị định 202 cũng đang gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Ông Nguyễn Văn Linh, TGĐ Cty Humix, cho biết, khoản 3, điều 8, quy định về nhân sự của cơ sở sản xuất phân bón như sau: Đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Ông Linh cho rằng, việc đưa ngành phân bón thành ngành sản xuất có điều kiện là một tiến bộ lớn trong công tác quản lý phân bón ở nước ta vì nó góp phần quan trọng loại bỏ nhiều doanh nghiệp làm ăn lôm côm.

Tuy nhiên, cũng không nên đưa ra những quy định quá ngặt nghèo, như quy định về nhân sự nói trên. Bởi chắc chắn rất ít doanh nghiệp phân bón nào trong nước đáp ứng được yêu cầu về nhân sự như quy định trong Nghị định 202.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, việc các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi công bố hợp quy sản phẩm phân bón, có phần lỗi của Cục Trồng trọt khi chưa có trao đổi, hướng dẫn cho các Sở NN-PTNT về công tác tiếp nhận công bố hợp quy đối với các sản phẩm phân bón do ngành nông nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, việc chậm trễ công bố hợp quy cho các sản phẩm, còn có lỗi từ chính nhiều doanh nghiệp. TS Trương Hợp Tác (Phó trưởng phòng Phòng Sử dụng đất và Phân bón, Cục Trồng trọt), cho biết, trong số các hồ sơ do các doanh nghiệp gửi về Cục Trồng trọt xin cấp phép cho các sản phẩm phân bón mới, hiện có 15 bộ hồ sơ không đầy đủ theo như quy định trong Thông tư 41.

Có nhiều nguyên nhân khiến hồ sơ không đầy đủ như có những doanh nghiệp đã tiến hành làm khảo nghiệm cho sản phẩm nhưng lại chưa lập Hội đồng để đánh giá, công nhận kết quả khảo nghiệm.

Nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa hợp quy với chất lượng. Hợp quy là có phù hợp với quy chuẩn Việt Nam hay không chứ không phải là phân tích chất lượng...

Bởi vậy, các doanh nghiệp cần thực sự nghiêm túc khi làm hồ sơ công bố hợp quy. Riêng về những trường hợp như sản phẩm VEDAGRO và các sản phẩm tương tự, không thay đổi công thức, thành phần nhưng hiện không thể công bố hợp quy bởi không đúng theo Thông tư 41, Cục Trồng trọt sẽ tập hợp phản ánh từ các doanh nghiệp để trình lên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem xét, giải quyết.

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất