| Hotline: 0983.970.780

Cục Hàng không lý giải gì về giá vé máy bay tăng cao bất thường?

Thứ Ba 07/05/2024 , 07:28 (GMT+7)

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng có 5 nguyên nhân chính làm giá vé máy bay nội địa tăng tới 50% trong thời gian vừa qua.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa qua yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải phải rà soát, kiểm tra giá vé máy bay, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo chỉ đạo này, Cục Hàng không Việt Nam đã lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Ngày 6/5, Cục này đã chính thức có văn bản báo cáo Bộ GTVT về tình hình giá vé máy bay nội địa trong 4 tháng đầu năm 2024.

Giá vè tăng tới 50% nhưng chưa "vượt trần"

Theo Cục Hàng không, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cụ thể, đối với đường bay Hà Nội - TP.HCM: Giá vé trung bình của Vietnam Airlines (VN) khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways (QH) khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines (VU) khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Như vậy, so với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 44,1% (Vietravel Airlines) đến 77, 6% (Vietnam Airlines) - Cục Hàng không thông tin.

Đối với đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng: Giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17 - 26%), Vietjet Air khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32 - 38%), Bamboo Airways khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13 - 29%) và Vietravel Airlines khoảng 1,1 - 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14 - 20%).

So với mức giá tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 38,1% (Vietravel Airlines) đến 62,3% (Vietnam Airlines).

Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc: Giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), Vietjet Air xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%).

So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí) mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 45% (Vietjet Air) đến 68% (Vietnam Airlines).

Đối với đường bay từ Hà Nội - Nha Trang: Giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), Vietjet Air khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), Bamboo Airways khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%).

So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng chỉ ở mức từ 42,6% (Bamboo Airways), 45,7% (Vietjet Air) đến 60,8% (Vietnam Airlines).

Giá vé đắt vì mua muộn

Cục Hàng không cũng cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao, ngoài số hành khách đặt sớm có thể mua được vé máy bay ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì phải trả tiền mua cao hơn.

Cá biệt có thời điểm, đường bay sớm lấp đầy thì việc mua được vé sẽ khó khăn hơn và giá vé sẽ cao hơn. Như tại thời điểm ngày 19/4/2024, tỷ lệ đặt chỗ cho ngày 27/4 đều đạt hơn 90% trên các đường bay Hà Nội đi Huế, Quy Nhơn, Quảng Bình, Nha Trang, Tuy Hòa, Điện Biên; TP.HCM đi Đà Lạt, Tuy Hòa, Phú Quốc, Điện Biên.

Đồng thời, rỷ lệ đặt chỗ cho ngày 1/5 cũng đều đạt hơn 90% trên các đường bay Huế, Phú Quốc, Điện Biên, Đồng Hới, Nha Trang đến Hà Nội và từ Pleiku, Phú Quốc, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Hà Nội đến TP.HCM.

Theo Cục Hàng không, chiếu theo số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của các hãng hàng không quốc tế, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á, và thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

Cục Hàng không Việt Nam nói gì về nguyên nhân giá vé máy bay lên cao?

Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới, do chịu tác động bởi 5 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là giá nhiên liệu tăng cao

Theo số liệu cập nhật của IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Cục Hàng không tính toán, với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015.

Điều này đã tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (là thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).

Bên cạnh đó, tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND).

Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Thứ hai là chênh lệch tỷ giá ngoại tệ

Xét về yếu tố đầu vào, khi so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý I/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, qua đó làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỷ đồng. Nếu quy đổi ra đơn vị chuyến bay, mỗi 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay quý 1/2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến.

Đồng thời, tỷ giá VND/USD trong quý 1/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý 2/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.

Chưa kể, do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, giá điều hành bay quốc tế …) được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không.

Thứ ba, do biến động giảm về đội tàu bay

Theo Cục Hàng không, đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay của các hãng là nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 1/2024).

Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay (2024) theo thông báo của PW cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.

Ngoài ra, kế hoạch nhận tàu bay của các hãng HKVN trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 02 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7/2024; các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.

Đồng thời, các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu so năm 2023) và Bamboo chỉ khai thác 5 tàu (giảm 25 tàu so với năm 2023).

Thứ tư là giá thuê động cơ và phụ tùng tàu bay tăng cao

Đơn cử, giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024. Giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160 nghìn USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024.

Chưa kể, giá phụ tùng vật tư cũng đều tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.

Cuối cùng là thực tế tình hình cung cầu vận tải hàng không

Theo đó, việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, tết.

Cục Hàng không dự báo, tình trạng chênh lệch cung cầu này, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm Hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Xem thêm
Chưa vào vụ, sầu riêng Đắk Lắk đã đối mặt khó khăn

Diện tích cũng như sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng cao so với năm 2023 và địa phương này đối mặt với nhiều khó khăn dù mùa vụ mới bắt đầu.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Phân bón Cà Mau - Top 10 'Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động'

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) lọt Top 10 trong 67 doanh nghiệp Việt Nam tại lễ vinh danh 'Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động'.

Hiệu ứng tích cực từ ngành bất động sản TP.HCM

Tăng trưởng tín dụng bất động sản mấy tháng qua cho thấy ngành này đang khởi sắc, và tác động tích cực đến những ngành khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.