Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên, do ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không, làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay tại các hãng hàng không trong 3 ngày làm việc (từ 7/5 - 9/5).
Thời kỳ kiểm tra là giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.
Trước đó, hôm 3/5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải rà soát, kiểm tra giá vé máy bay, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Bộ Tài chính "bác" quan điểm: Giá vé máy bay tăng cao do thuế, phí
Thời gian qua, khi giá vé máy bay tăng nóng, đã có một số ý kiến cho rằng - giá vé tăng cao quá mức, một phần do phải chịu nhiều thuế, phí, với trên 20 loại cả trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc quản lý Nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT
Cụ thể, các khoản phí trong giá vé máy bay là "giá dịch vụ chuyên ngành hàng không" quy định tại Thông tư 53/2019 ngày 31/12/2019 của Bộ GTVT. Đây không phải là khoản phí thuộc Ngân sách Nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, các chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và phí dịch vụ kinh doanh cảng hàng không. Hai loại này lần lượt 165.000 đồng và 335.000 đồng một lượt.
Bộ Tài chính cũng khẳng định Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng. Các hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá theo quy định và thực hiện kê khai với Bộ GTVT.
Giá vé tăng cao, hãng bay lãi lớn
Khảo sát của một số cơ quan báo chí dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua cho thấy, giá vé nhiều chặng bay nội địa đã cao trên 50% so với ngày thường. Đơn cử, giá vé tại một số chặng du lịch phổ biến như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Nha Trang dao động trên dưới 5 triệu đồng/vé khứ hồi, tăng khoảng 1,5 triệu đồng so với ngày thường.
Cá biệt, hai chặng Hà Nội - Phú Quốc hay Hà Nội - Quy Nhơn có giá vé máy bay bị đẩy lên tới hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi các chặng ngắn hơn, khởi hành từ TP.HCM đi Phú Quốc hay Nha Trang cũng có mức giá khó tin, từ 3 - 4 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa neo cao, đặc biệt là hậu thuận từ đợt cao điểm trước và sau tết Nguyên đán, các hãng hàng không vừa qua cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Trong quý I, cả Vietnam Airlines và Vietjet đều ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ 2023.
Với Vietnam Airlines, 28.270 tỷ đồng cũng là mức doanh thu thuần một quý cao nhất của hãng từ trước đến nay. Nhờ số thu kỷ lục quý I, "bông sen vàng" đã ngắt được mạch thua lỗ 16 quý liên tiếp. Qua đó, đạt mức lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, riêng công ty mẹ là gần 1.500 tỷ trong quý I.
Trong quý I, doanh thu từ mảng vận tải hàng không quốc tế mang về cho Vietnam Airlines hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2023; đóng góp tới 65% doanh thu vận tải hàng không của hãng, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy của năm 2021.
Với Vietjet, hãng bay này ghi nhận doanh thu hơn 17.790 tỷ đồng, tăng 38% trong quý I. Đồng thời ghi nhận lợi nhuân sau thuế gần 540 tỷ đồng - mức lợi nhuận cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Tương tự, Vietravel Airlines - hãng bay non trẻ nhất ngành hàng không Việt cũng báo đạt doanh thu hơn 490 tỷ đồng, tăng 40% trong quý I. Đây cũng là quý lãi đầu tiên của hãng sau 3 năm đi vào khai thác.