Cúc Phương được xếp ngang tầm với các cánh rừng nguyên sinh nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. 58 năm kể từ khi trở thành vườn quốc gia đầu tiên của đất nước, qua biến thiên lịch sử, đại ngàn Cúc Phương hùng vĩ vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn kho báu vật từ thuở hồng hoang mà mẹ thiên nhiên ban tặng…
Trong không gian mới được hiệu chỉnh lại một cách khoa học, hiện đại của Bảo tàng Cúc Phương - nơi lưu giữ bộ sưu tập mẫu vật thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam - bạn hãy dừng lại trước một hiện vật trưng bày được ghi trên tấm etiket với tên: Bò Sát Răng Phiến.
Năm 2000, Bùi Văn Biên, người dân địa phương, trong một chuyến đi rừng đã vô tình phát hiện một vách đá có những gân như những đốt xương sống. Ông Lê Trọng Đạt, lúc đó đang là cán bộ nghiên cứu của VQG Cúc Phương (Ninh Bình) chính là người được anh Biên tìm đến.
Như một phép màu, trên cơ sở nét vẽ nguệch ngoạc theo mô tả của “người được chọn” và sự vào cuộc của các nhà khoa học, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đã tìm thấy hóa thạch một dạng bò sát Răng Phiến thuộc kỷ Trias trung, cách nay khoảng 200 đến 250 triệu năm. Phát hiện này đã làm thay đổi các nhận thức khoa học trước đó về nhóm này.
Hãy đến Cúc Phương và đứng trước phiên bản hóa thạch ấy. Và, hãy luồn lách qua cung đường mòn chằng chịt của rừng già để tận mắt ngắm nhìn “tác phẩm” thiên nhiên triệu năm ấy. Bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên đẫm chất hồng hoang, kèm theo sự kinh ngạc, tò mò xen lẫn tự hào khi biết rằng đây là một báu vật cổ xưa, vô giá.
Tháng 11/1974, Đặng Thịnh Miên và Lê Đức Giang, lúc đó đang là cán bộ lâm nghiệp. Trong lúc điều tra cảnh quan thiên nhiên và nguồn động thực vật phía tây nam Vườn quốc gia Cúc Phương, họ đã được nhân dân báo cho biết về một kho ốc tự nhiên ở trong một hang đá. Hai người đã ngay lập tức đến hiện trường. Đó là một hang động nhỏ và không có giá trị cảnh quan, nằm cheo leo trên lưng chừng vách núi đá thuộc địa giới xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), trong địa phận VQG Cúc Phương. Họ đã sững sờ khi nhặt được nhiều công cụ đá cuội có vết ghè đẽo. Từ đó, hang Con Moong (tạm dịch: Con Thú) chính thức được phát hiện và trở thành một di tích khảo cổ học có giá trị vô cùng đặc biệt.
Kết quả khai quật cho biết, hang Con Moong là nơi bảo tồn vết tích văn hóa của cư dân 3 nền văn hóa, gồm Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn; nơi con người cư trú liên tục từ 13.000 đến 7.000 năm trước. Đây là địa điểm chứng kiến sự chuyển biến mang tính thời đại từ Đá Cũ sang Đá Mới; từ kỹ thuật ghè đẽo sang mài lưỡi công cụ, từ hoạt động săn bắt hái lượm sang trồng trọt sơ khai. Đặc biệt, theo nhận định của các nhà khoa học, hang Con Moong có quan hệ chặt chẽ với một số di tích hang động khảo cổ khác ở Cúc Phương, trong đó, có di chỉ nổi tiếng Động Người Xưa. Hệ thống này đánh dấu cuộc di cư vĩ đại, vươn ra chiếm lĩnh, khai phá đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mã đầu tiên trong lịch sử.
Những giá trị khảo cổ khám phá được đang giúp cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hang Con Moong nằm dưới tán xanh ngút ngàn Cúc Phương trở thành di sản văn hóa thế giới trong một ngày không xa.
Trên hành trình lạc vào đại ngàn Cúc Phương, bạn sẽ thi thoảng lọt mình dưới một vòm đại linh thụ. Có thể, đó là cây Đăng, cây Vù Hương hoặc cây Sấu. Và, ở cánh rừng nức tiếng này, ai cũng biết đến cây chò với “danh hiệu” ngàn năm. Bạn sẽ thốt lên “thật kì diệu” nếu biết rằng, khi vị “đại trưởng lão” ấy chớm bước vào giai đoạn mãn tận vòng đời phi thường của mình thì xung quanh đó, đã hiên ngang một quần thể chò hàng trăm, hàng ngàn năm. Chúng đang tràn đầy sinh lực vươn lên đón sáng như một sự tiếp nối bền bỉ và vi diệu của thế giới thực vật.
Bạn còn bất ngờ hơn khi biết, bởi là rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình, nên khắp diện tích hơn 22.000ha rừng Cúc Phương, mỗi một cây xanh, mỗi một dây leo hay nhành hoa dại, dù rất khẳng khiu và bé nhỏ nhưng chúng đều đã ở đó đến hàng trăm năm có lẻ.
Sẽ là thiếu sót nếu khi nói về kho báu vật từ thuở hồng hoang mang tên Cúc Phương, mà không nói về các thế hệ cán bộ lâm nghiệp gắn bó với nơi này. Hàng trăm con người mộc mạc, bình dị qua các thời kì, đã nỗ lực phi thường để xây dựng nên hình hài một vườn quốc gia. Từ chỗ chỉ đơn thuần như những người “trông giữ rừng”, họ đã trở thành những cán bộ kiểm lâm, những nhà khoa học bảo tồn thiên nhiên, những người làm du lịch sinh thái. Từ chỗ là “mô hình điểm”, ngành lâm nghiệp đã nhân rộng, phát triển ra thành một hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp dải đất hình chữ S, góp phần vào sứ mệnh bảo vệ màu xanh đất nước. Tất cả góp phần để đến nay Cúc Phương được cả thế giới biết đến như một địa chỉ nổi tiếng toàn cầu trong cứu hộ động vật hoang dã.