| Hotline: 0983.970.780

Như cây chò ngàn năm vươn sáng

Thứ Năm 30/04/2020 , 18:39 (GMT+7)

Cứ mỗi lần “nhớ về Cúc Phương”, tôi luôn suy tư về hình tượng cây chò - loài thực vật tiên phong vươn sáng, tỉa tán tự nhiên và có sức sống mãnh liệt.

Cách nó ngay thẳng vươn lên, kiêu hùng trước bão gió để thi gan cùng tuế nguyệt, luôn gợi trong tôi về sức mạnh và ý chí con người.

Những ngày này, chứng kiến sức mạnh phi thường của toàn nhân loại ứng phó với đại dịch Covid-19 - thảm họa y tế toàn cầu - tôi luôn liên tưởng đến hình tượng ấy. Và, chuyến về với cánh rừng già nổi tiếng trong ca khúc của Trần Chung đúng dịp đặc biệt này, đã cho tôi thật nhiều xúc cảm…

Dấu chân những cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Dấu chân những cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Giữ mãi bình yên đại ngàn

Bên chén trà nguội vì liên tiếp những cuộc điện thoại chỉ đạo điều hành, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: “Với hơn hai mươi ngàn héc ta rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn ba tỉnh, bốn huyện, mười lăm xã, đứng trước dịch Covid- 19, hoạt động quản lý bảo vệ rừng, cứu hộ và chăm sóc động vật và nhất là khai thác du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Cúc Phương đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực”.

Ông xin lỗi vì không có thời gian trực tiếp trò chuyện và giới thiệu cho tôi gặp cấp phó của mình - ông Đỗ Văn Lập, người kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 của Vườn.

“Gần trọn cuộc đời công tác gắn bó với rừng, đây là lần đầu tiên chúng tôi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề, đều chưa có tiền lệ. Tất cả phải nhanh, trúng và quyết liệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối với con người, an ninh rừng và động vật hoang dã đang chăm sóc, cứu hộ”, ông Lập vừa nói, vừa đưa cho tôi một xấp tài liệu liên quan.

Để có một Cúc Phương xanh, các anh đã không quản ngại, ngày đêm giữ rừng. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Để có một Cúc Phương xanh, các anh đã không quản ngại, ngày đêm giữ rừng. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Qua tìm hiểu, do nhận định và dự liệu chính xác diễn biến tình hình, nên ngay từ đầu tháng 2, Vườn đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với dịch Covid- 19.

Theo đó, trước dấu hiệu nhiễu loạn thông tin liên quan đến vật chủ gây bệnh, đến ngày 20/02/2020, toàn bộ các trung tâm cứu hộ động vật trong Vườn đều tạm dừng phục vụ khách tham quan. Quy trình khử trùng, sát khuẩn, cập nhật thông tin sức khỏe động vật và hoạt động nội bộ hàng ngày của Vườn được siết chặt hơn bao giờ hết.

Do thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, người dân vùng đệm về quê, áp lực lên an ninh rừng càng tăng cao. Ông Nguyễn Trường Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch cho đợt cao điểm và triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Toàn bộ 13 Trạm Kiểm lâm đều tăng cường tối đa công tác phối hợp với chính quyền địa phương và Kiểm lâm Vùng II trong các chuyến tuần tra, truy quét. Mỗi kiểm lâm viên của chúng tôi đều căng mình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng nơi mình phụ trách”.

Du khách sát khuẩn, phòng ngừa dịch Covid- 19. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Du khách sát khuẩn, phòng ngừa dịch Covid- 19. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách du lịch, cả nội địa lẫn quốc tế, Vườn Quốc gia Cúc Phương tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan và phát tán dịch Covid- 19. Nhận thức rõ vấn đề này, từ rất sớm Vườn đã triển khai áp dụng quy trình phòng dịch bắt buộc đối với tất cả cán bộ và mọi du khách.

Tiếp đó, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Vườn đã chủ động báo cáo cấp thẩm quyền và tạm dừng hoạt động đón khách du lịch từ 13/3. Trong thời gian đó, ngoài việc duy trì công tác vệ sinh, khử khuẩn, Vườn đã tranh thủ chỉnh trang một số hạng mục, khởi động việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh tổng thể hoạt động du lịch, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách trong giai đoạn mới.

Lan tỏa thông điệp yêu thương

“Các giải pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ của Vườn đã đạt kết quả rất vui mừng anh ạ. Cán bộ Vườn và mọi du khách đều an toàn. Các trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã duy trì hoạt động trong chuẩn bình thường. An ninh rừng được đảm bảo. Và đặc biệt là, môi trường du lịch Cúc Phương đã an toàn để có thể đón khách trở lại”- vẫn đeo chiếc khẩu trang phòng dịch, ông Đỗ Tân Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ của Vườn Quốc gia Cúc Phương hồ hởi chia sẻ, khi dành ít phút trò chuyện với tôi bên tán mơ xanh mướt.

Du khách bắt đầu quay trở lại Cúc Phương sau dịch Covid- 19. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Du khách bắt đầu quay trở lại Cúc Phương sau dịch Covid- 19. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Theo tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của cấp thẩm quyền, ngày 28/4, Cúc Phương trở thành vườn quốc gia đầu tiên trong cả nước mở cửa trở lại, phục vụ khách tham quan. “Tuân thủ quy trình phòng, tránh dịch vẫn là yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động khai thác du lịch, cán bộ cũng như mọi du khách đến với Cúc Phương lúc này”, ông Cương nói tiếp.

Theo quan sát, toàn bộ khách du lịch được hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế, xếp hàng giữ khoảng cách quy định trong khi mua vé tham quan. Trên hành trình trải nghiệm vẻ đẹp Cúc Phương, tôi đều nhận ra các vị trí để vật dụng sát khuẩn cũng như biển khuyến nghị.

Con đường 20km từ cổng Vườn vào trung tâm Bống đã được sơn kẻ vạch và dựng biển báo phân luồng một cách khoa học.

Hương Giang, cô sinh viên ngành du lịch vui vẻ nói với tôi: “Nhóm chúng em rất vui lựa chọn Cúc Phương là điểm đến đầu tiên sau thời gian giãn cách xa hội. Chúng em hoàn toàn yên tâm và tuân thủ quy trình phòng chống dịch mà Vườn áp dụng. Lần thứ ba đến và em thấy rừng đẹp và thực sự bình yên. Là sinh viên du lịch, chắc chắn em sẽ tham gia vào sứ mệnh lan tỏa tình yêu thiên nhiên của Vườn đến với tất cả mọi người”.

Như loài cây vươn sáng

Cây chò chỉ, loài cây độc đáo của Vườn   Quốc gia Cúc Phương luôn vươn về phía   ánh sáng. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Cây chò chỉ, loài cây độc đáo của Vườn
Quốc gia Cúc Phương luôn vươn về phía
ánh sáng. Ảnh: Phạm Quốc Vinh.

Môi trường dịch tễ an toàn, rừng bình yên trong khúc hoan ca của hàng vạn tiếng chim và muông thú; cùng với đó là sự thay đổi dần cả nhận thức, phong cách và chất lượng dịch vụ, Cúc Phương đang cho thấy sự chuyển mình từng bước với chiến lược định vị thương hiệu du lịch trong xu thế mới.

Đón khách trở lại vào đúng dịp kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5 - “thời điểm vàng” theo ngôn ngữ du lịch, sự kiện thiên nhiên kì thú riêng có - “Mùa Bướm” cũng chính thức diễn ra, Cúc Phương chắc chắn sẽ đón một lượng khách lớn.

Tôi nhận ra sự khả quan của dự báo cá nhân ấy khi chứng kiến cường độ làm việc rất bận bịu của bộ phận lễ tân. Ba nhân viên thay nhau hướng dẫn thủ tục đặt phòng nghỉ với hàng trăm cuộc điện thoại, rồi trực tiếp tư vấn chuyến tham quan cho khách và bán vé.

 “Vất vả một chút nhưng chúng em hạnh phúc lắm ạ. Sự hài lòng và niềm vui trải nghiệm của khách tham quan là nguồn vui của chúng em mà anh”- Thu Hiền, cô lễ tân xinh xắn trong trang phục dân tộc Mường khéo léo trả lời.

Ngay trước lối vào các khu cứu hộ, đôi bạn trẻ Minh Tuấn và Vân Anh đang say sưa tâm sự bên một đàn bướm trắng dập dìu. Họ cho biết, sẽ làm đám cưới vào cuối năm nay, và sẽ đến đây để chụp bộ ảnh kỉ niệm ngày trọng đại ấy.

 Tôi cứ nhớ mãi tâm sự của Vân Anh: “Chúng em đã phải vượt qua bao khó khăn để đến được với nhau. Đại dịch rồi cũng qua chứ anh. Như tình yêu của chúng em vậy, rồi sẽ sinh sôi hạnh phúc!”.

Trước khi rời Cúc Phương lúc chiều tà, tôi ngắm ba cây chò chỉ cao vút và tắp thẳng ở trước cổng Vườn. Đúng, bằng niềm tin và tình yêu, chẳng có khó khăn nào cản đường chúng ta đi về phía ngày mai tươi đẹp cả.

Như loài cây kia, hàng ngàn năm qua, chúng luôn hướng lên bầu trời xanh thẳm. Ở đó là ánh sáng. Vươn về phía ánh sáng, ấy là sức mạnh bản năng cao đẹp của tất cả chúng ta.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.