Dựa theo những gì đã xảy ra trong mùa 2020, đội nào muốn vào tốp 6 cần thắng tối thiểu 6 trận. Ba đội đứng đầu là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Viettel và Quảng Ninh đều đã đảm bảo tiêu chí này và có thể yên tâm trụ hạng sớm. Ba chiếc vé còn lại để đua vô địch giai đoạn hai, giờ là cuộc cạnh tranh giữa Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Dương, Nam Định và cả tân binh Bình Định.
Trong số này, cơ hội dành cho Hà Nội là sáng sủa hơn cả. Ngoại trừ đối thủ HAGL ở vòng sắp tới, đại diện Thủ đô chỉ phải gặp những đội yếu hơn là Bình Định, Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An (SLNA). Á quân mùa trước đã thắng tới 4 trận, và việc được đá hai trận nữa trên sân nhà Hàng Đẫy là lợi thế không nhỏ cho họ hoàn thành chỉ tiêu.
Đà Nẵng, Bình Dương có thực lực, và thực tế là từng thay nhau nắm ngôi đầu bảng ở giai đoạn đầu mùa này. Tuy nhiên, sự ổn định là thứ mà cả hai còn thiếu. Bên cạnh đó, lịch thi đấu V-League 4 vòng còn lại không ủng hộ họ. Hai đội vừa phải chạm trán nhau, vừa phải đấu với những đối thủ mạnh hơn là Viettel cũng như HAGL. Với Đà Nẵng, họ có lợi thế điểm số và đang đứng thứ tư, nên có thể xem dễ thở hơn.
Điều đáng nói là Nam Định có nhiều cơ sở làm nên bất ngờ. Họ từng ở trong tốp 6, đang trong giai đoạn chơi tưng bừng và sẽ gặp những đối thủ vùng vẫy trong bất ổn như Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Hà Tĩnh. Một thuận lợi nữa là Nam Định còn đấu Quảng Ninh - chuyên gia "làm kinh tế" tại V-League. Còn nhớ mùa trước, sau khi sớm trụ hạng, đội bóng đất Mỏ đã như thể cho điểm, đồng thời để ba trụ cột tới Hải Phòng theo diện cho mượn.
Với cách biệt một điểm, so với vị trí thứ sáu của Bình Dương, Nam Định chắc chắn không dễ bỏ qua cơ hội trụ hạng sớm. Đội bóng thành Nam vốn đã toát mồ hôi hột nhiều năm qua vì cuộc đua trụ hạng. Ba mùa đá V-League, hai mùa họ trụ hạng vòng cuối. Ngay cả khi lỡ chuyến tàu mang tên tốp 6, tích lũy điểm cũng là điều vô cùng quan trọng với Nam Định, bởi khoảng cách với vị trí áp chót của Sài Gòn, đồng nghĩa với suất đá play-off tránh xuống hạng, chỉ là một trận thắng.
Ở phía bên kia, 5 đội gần như chắc chắn đứng trong nhóm 8 đội cuối bảng xếp hạng sau giai đoạn một là Hà Tĩnh, Sài Gòn, Hải Phòng, TP.HCM và SLNA. Điểm chung của cả ba là tồn tại những mâu thuẫn nội bộ. Có đội còn khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng, vò những vấn đề ngoài chuyên môn.
Thanh Hóa có lẽ là đội duy nhất chưa định hình số phận của mình ở giai đoạn hai. Dù chỉ kém đội xếp thứ sáu 2 điểm, và thắng hai, hòa một ở 3 vòng gần nhất, nhưng nội lực của đội bóng xứ Thanh lép vế so với Đà Nẵng, Bình Dương. Muốn vào tốp 6, thầy trò Ljubo Petrovic buộc phải chờ kết quả có lợi, đến từ các đội cạnh tranh trực tiếp.