Các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa ngày 16/12. |
Ngày 16/12, TAND TP. Hà Nội dự kiến mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Theo cáo trạng truy tố và kết luận điều tra, Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư. Mặc dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Nguyễn Bắc Son đã có bút phê ngày 15/12/2015 chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm 2015.
Quá trình điều tra, Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã gạch bỏ nội dung: “Giao cho HĐTV Mobifone chịu trách nhiệm quyết định giá mua” tại Tờ trình và gạch bỏ nội dung “Quyết định giá mua” tại Điều 2 dự thảo Quyết định 236.
Ông Son cũng thừa nhận sai phạm trong việc có bút phê chỉ đạo, giao Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone khi Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, chưa có ý kiến về 4 kênh tần số, giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét, làm rõ...
Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son cũng thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều ngày 25/12/2015. Động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt Mobifone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi Nguyễn Bắc Son nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác và mong muốn Mobifone và AVG nhớ đến Nguyễn Bắc Son.
Một cựu Bộ trưởng khác là Trương Minh Tuấn khai nhận đã ký một số văn bản, báo cáo liên quan trong quá trình thực hiện dự án, thừa nhận việc Trương Minh Tuấn ký Quyết định 236 là không đúng trách nhiệm được phân công.
Tuy nhiên, quá trình điều tra Trương Minh Tuấn khai không đồng ý ký quyết định và đã báo cáo Nguyễn Bắc Son, nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Trương Minh Tuấn phải ký vì Trương Minh Tuấn phụ trách lĩnh vực phát thanh truyền hình.
Cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. |
Đối với hành vi Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, cáo trạng thể hiện, Phạm Nhật Vũ với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG là người đại diện cho AVG được ủy quyền của các cổ đông, thực hiện giao dịch bán 95% cổ phần của AVG. Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp.
Nhưng vì mong muốn bán được AVG cho Mobifone với giá cao nên Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin về việc AVG bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông với giá 700 triệu USD và đã nhận đặt cọc 10 triệu USD.
Để xúc tiến thương vụ, Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa Mobifone với AVG.
Ngoài ra Phạm Nhật Vũ còn gọi điện thoại liên hệ với Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, những người có vai trò trực tiếp quyết định cho việc mua, bán cổ phần giữa Mobifone và AVG, để hỏi thăm và đề nghị sớm triển khai việc mua bán cổ phần.
Với sự quyết liệt, tích cực của Nguyễn Bắc Son và các bị can thuộc Bộ TTTT, Mobifone, Phạm Nhật Vũ đã thống nhất được giá mua, hoàn thành việc ký hợp đồng và nhận được tiền thanh toán từ Mobifone. Trong đó Phạm Nhật Vũ nhận được hơn 5.850 tỷ đồng.
Tài liệu điều tra xác định Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; Trương Minh Tuấn 200.000 USD; Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, đưa cho Cao Duy Hải 500.000 USD...
Quá trình điều tra, Phạm Nhật Vũ khai nhận, việc thỏa thuận bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh.
Vũ cũng khai lý do đưa tiền cho 4 cá nhân trên vì họ có vai trò quyết định đối với việc AVG bán cổ phần cho Mobifone và số tiền Phạm Nhật Vũ đưa cho từng người phụ thuộc vào vị trí chức vụ và tính quyết định của từng cá nhân trong quá trình thực hiện việc mua bán cổ phần giữa Mobifone và AVG.
Về số tiền nhận hối lộ, đối với 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son khai đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền Nguyễn Bắc Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Bắc Son nhận thức lý do Phạm Nhật Vũ đưa tiền vì Son là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án mua cổ phần của AVG. Nếu không phải là Bộ trưởng Bộ TTTT, người có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án thì Nguyễn Bắc Son sẽ không được Phạm Nhật Vũ đưa số tiền 3 triệu USD.
Biết rõ số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại, tuy nhiên cựu Bộ trưởng không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Bắc Son đề nghị được sử dụng số tiền hơn 591 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.
Khác với cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, những bị can khác trong vụ án đã chủ động khắc phục hậu quả và nhận được sự hợp tác từ gia đình.
Quá trình điều tra, truy tố, Trương Minh Tuấn đã có đơn xin nộp lại hết số tiền nhận hối lộ. Cụ thể, Trương Minh Tuấn sử dụng số tiền 2,120 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm để trả lại một phần số, gia đình bị can này cũng nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra 2 tỷ đồng để khắc phục.
Sau khi bị khởi tố Lê Nam Trà đã chủ động khai báo về số tiền đã nhận từ Phạm Nhật Vũ và viết đơn đề nghị phối hợp cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD đã nhận. Cao Duy Hải đã nộp hết toàn bộ số tiền 11,6 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải khai biếu Nguyễn Bắc Son rất nhiều tiền, tuy nhiên những người này xác định đây là việc cá nhân nên không yêu cầu, đề nghị xem xét trong vụ án.
Tuy nhiên, Nguyễn Bắc Son chỉ thừa nhận đã nhận của Cao Duy Hải 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone dịp Tết âm lịch năm 2016.
Việc thu nộp tài sản từ các bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ số tiền do các bị can và gia đình giao nộp là 68,7 tỷ đồng.