Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Đây là vụ án có quy mô đặc biệt lớn với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 4.816 tỷ đồng, liên quan đến hàng nghìn nhà đầu tư.
Đế chế ảo của Công ty Nhật Nam
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Vũ Thị Thúy (SN 1983, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam, cùng 5 bị can khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị can Vũ Thị Thúy. Ảnh: IT.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2019, Vũ Thị Thúy thành lập Công ty Nhật Nam với vốn điều lệ công bố là 50 tỷ đồng, nhưng thực tế không có vốn góp. Ngay sau khi thành lập, Thúy bắt đầu xây dựng chiến lược huy động vốn từ nhà đầu tư bằng cách quảng bá rầm rộ về các dự án bất động sản, khách sạn, nhà hàng được cho là sinh lời cao.
Thực tế, công ty chỉ mua một số lô đất ở Thanh Hóa, Tây Ninh, Kiên Giang, Đắk Lắk với nguồn gốc là đất trồng cây lâu năm, đất ở nông thôn hoặc một số lô biệt thự tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Những bất động sản này không có tính thanh khoản cao và chủ yếu được dùng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Để thu hút nhà đầu tư, Thúy cam kết mức lợi nhuận từ 7-8%/tháng, tương đương 168-192%/năm, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn như tặng vàng, vé du lịch, voucher mua sắm… Với hợp đồng trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận cổ đông chiến lược và được chia cổ tức định kỳ ba tháng một lần. Đặc biệt, hợp đồng thường có thời gian ngắn, chỉ từ 10-30 ngày, nhằm tạo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Thúy còn tổ chức các hội nghị hoành tráng, mời những người có uy tín xã hội, kể cả công an, quân đội, luật sư, để tăng mức độ tin tưởng. Ban chiến lược cũng được thành lập để đào tạo nhân viên môi giới chuyên nghiệp, tích cực quảng bá thông tin sai lệch về tiềm năng của công ty.
Hàng chục nghìn nhà đầu tư sập bẫy
Với mô hình này, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2023, Công ty Nhật Nam đã ký 43.314 hợp đồng hợp tác kinh doanh với 25.925 cá nhân, thu về tổng cộng 9.113 tỷ đồng. Trong đó, Thúy đã sử dụng hơn 4.297 tỷ đồng để chi trả gốc và lãi cho các nhà đầu tư trước đó theo mô hình "Ponzi", có nghĩa là lấy tiền của người sau, trả cho người trước. Số tiền còn lại, lên tới 4.816 tỷ đồng, đã bị chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đến giữa năm 2023, khi nguồn tiền từ nhà đầu tư mới không còn dồi dào, hệ thống này bắt đầu sụp đổ. Công ty Nhật Nam mất khả năng thanh toán, hàng loạt nhà đầu tư không thể rút vốn và khiếu nại liên tục được gửi đến cơ quan chức năng.
Ngoài Vũ Thị Thúy, 5 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố trong vụ án này gồm (Phó Tổng Giám đốc chi nhánh Công ty Nhật Nam tại TP Hồ Chí Minh), Trịnh Văn Tôn (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam), Phạm Văn Tuyên (Trưởng ban chiến lược Công ty Nhật Nam), Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Sơn (Thành viên Ban chiến lược Công ty Nhật Nam).
Các cá nhân này giữ vai trò quan trọng trong việc quảng bá Công ty Nhật Nam, trực tiếp hướng dẫn đội ngũ nhân viên môi giới nhằm thu hút thêm nhà đầu tư. Dù không nắm rõ tình hình tài chính thực tế của công ty, họ vẫn tích cực quảng cáo sai sự thật về các dự án và lợi nhuận, từ đó thúc đẩy hàng nghìn người tham gia vào mô hình này.
Quá trình điều tra cho thấy, có ít nhất 8.745 cá nhân đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an, xác nhận họ đã đầu tư tổng cộng 1.722 tỷ đồng vào Công ty Nhật Nam. Trong số này, chỉ khoảng 454 tỷ đồng đã được hoàn trả, còn lại 1.267 tỷ đồng vẫn chưa thể thu hồi. Việc điều tra mở rộng nhằm làm rõ hơn dòng tiền và trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân liên quan đang được tiến hành.
Tại cơ quan điều tra, Vũ Thị Thúy thừa nhận đã sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào bất động sản, mở bốn nhà hàng nhưng tất cả đều không hiệu quả. Tuy nhiên, Thúy phủ nhận việc thuê người quảng cáo sai sự thật, đồng thời không thừa nhận rằng công ty đã có kế hoạch từ trước để lừa đảo nhà đầu tư. Đáng chú ý, bị can này cũng không thể giải trình rõ ràng về mức lãi suất khổng lồ lên đến 30% mà công ty từng cam kết với khách hàng.
Việc Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội trả hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra cho thấy vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ, trong đó bao gồm việc xác định chính xác dòng tiền, cách thức vận hành của Công ty Nhật Nam và vai trò của các bị can trong quá trình lừa đảo. Do số lượng nạn nhân trải dài trên nhiều tỉnh thành, cơ quan điều tra đã ủy thác việc lấy lời khai đến công an các địa phương để tiếp tục thu thập chứng cứ.