| Hotline: 0983.970.780

Truy tố vụ AVG: Ông Nguyễn Bắc Son không thừa nhận vai trò chủ mưu

Thứ Bảy 19/10/2019 , 11:19 (GMT+7)

Viện KSND tối cao có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện.

 

 

Truy tố vụ Mobifonne mua 95% cổ phần AVG

Ngày 9/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt Cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Quyết liệt chống lệnh Thủ tướng để phạm tội

13 bị can bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” trong đó có Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, 2 cựu Bộ trưởng còn bị truy tố tội “Nhận hối lộ” cùng với Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) và Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc Mobifone).

Theo cáo trạng, năm 2015, Mobifone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện dự án các bị can đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng (trong đó 6.475 tỷ đồng là tiền Nhà nước bị thiệt hại khi Mobifone mua AVG và 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG).

Trong đó Nguyễn Bắc Son được xác định giữ vai trò chủ mưu. Mặc dù dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng ông Son đã chỉ đạo cho Phạm Đình Trọng (sinh năm 1970, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp), đề xuất và giao cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt.

Khi phê duyệt dự án, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng không yêu cầu Mobifone loại trừ 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P) cho dù trước đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015".

Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo quyết liệt cho Mobifone phải mua cổ phần của AVG, yêu cầu thực hiện dự án trong năm 2015 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà ký hợp đồng mua bán cổ phần với AVG trong tháng 12/2015. Thời điểm này ông Son sắp nghỉ Bộ trưởng.

Trước khi Mobifone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn: kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin việc AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD để đàm phán với Mobifone về giá mua bán AVG.

Đồng thời, Phạm Nhật Vũ nhiều lần liên hệ, trao đổi, đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, để thúc đẩy việc việc mua bán AVG được nhanh chóng nhằm mang lại lợi ích cho AVG.

Quá trình chỉ đạo để mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng các bị can ở mỗi vị trí, vai trò của mình đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Biết rõ Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị can Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua 8.898,3 tỷ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12/2015.

Kết quả, Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỷ đồng, đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại Mobifone.

Khi chỉ đạo và thực hiện dự án, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau các bị can đã quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG.

Đồng thời, các bị can này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho: Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.

Các bị can nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc Mobifone mua cổ phần của AVG, nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.

Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều bị truy tố 2 tội danh

Sẽ làm rõ việc đưa 3 triệu USD cho con gái tại phiên tòa

Trong giai đoạn truy tố, bị can Nguyễn Bắc Son chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo Mobifone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.

Nhưng với kết quả điều tra, Viện KSND Tối cao khẳng định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện.

Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son khai, sau khi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, đã đưa cho Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái Nguyễn Bắc Son) tại nhà riêng của Son, mỗi lần đưa từ 300.000 USD đến 400.000 USD, khi đưa Son dặn Huyền không được gửi tiết kiệm còn việc đầu tư vào đâu là tùy.

Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ Nguyễn Bắc Son. Căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền. Hành vi của Nguyễn Thị Thu Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng do các bị can và gia đình giao nộp. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà nộp hơn 54 tỷ đồng, gia đình Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỷ đồng, gia đình bị can Trương Minh Tuấn nộp 2 tỷ đồng…

Kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kê biên nhà đất của bị can Trương Minh Tuấn tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Đồng thời, phong tỏa tài khoản của Nguyễn Bắc Son có số dư gần 592 triệu đồng, phong tỏa tài khoản của Trương Minh Tuấn có số dư hơn 2,1 tỷ đồng…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm