Sau khi kết thúc thảo luận tổ, chiều 9/7, Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV tiếp tục diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024; các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả đã tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ông Lê Cao Long cho rằng về mặt quy trình Dự thảo nghị quyết đã làm rất đầy đủ các bước. Tuy nhiên nội dung của Nghị quyết vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp. Bởi qua đi khảo sát thực tế tại các địa phương, nhiều phường vẫn còn diện tích sản xuất đất nông nghiệp rất lớn. Trong khi đó, mức sống bình quân của người dân ở những khu vực này vẫn chưa thực sự cao.
Từ đánh giá thực tế, ông Long nhìn nhận Dự thảo nghị quyết vẫn thiếu những tiêu chí rõ ràng, cụ thể đối với những khu vực không được phép chăn nuôi. Quan điểm của đại biểu là phải có những tiêu chí cụ thể cho từng khu vực, bảo đảm thống nhất ở các địa phương; phải quan tâm đến sinh kế, nhu cầu gia tăng, cải thiện đời sống của người dân có thu nhập thấp. Đặc biệt, do đây là văn bản pháp luật cần có tính ổn định trong một thời gian nhất định nên nhất thiết phải quy định chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi của người nuôi.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, người dân đồng thuận, đại biểu Lê Cao Long đề nghị Kỳ họp đánh giá lại Dự thảo nghị quyết một cách thận trọng, kỹ lưỡng và cần cân nhắc lại thời điểm ban hành để bảo đảm nghị quyết bám sát thực tiễn, yêu cầu quản lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trước đó, ngày 4/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến thảo luận, phản biện trên cơ sở phân tích quy định chính sách, pháp luật hiện hành, thực tiễn các địa phương, nguyện vọng chính đáng của người dân. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình về việc cần bổ sung thêm quy định về chính sách hỗ trợ vào dự thảo Nghị quyết và cần xem xét tính toán cần có thời gian nhất định về độ trễ của Nghị quyết (hiệu lực thi hành).
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ xác định về các tiêu chí để xác định khu vực không được phép chăn nuôi để làm căn cứ để các địa phương rà soát, xác định khu vực không được phép chăn nuôi đảm bảo đúng quy định của Luật Chăn nuôi, Luật đô thị, Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, cũng như đảm bảo sinh kế cho người dân.
Cũng có ý kiến bày tỏ cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu về "Nuôi động vật với mục đích làm cảnh" (khái niệm, quy định về điều kiện, số lượng, chủng loại…) để tránh nhiều cách hiểu khác nhau. Đồng thời, tránh việc lợi dụng nuôi động vật làm cảnh để thực hiện mục đích kinh doanh, phát triển sản xuất, thương mại…
Các ý kiến phản biện là căn cứ, cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu phân tích, bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo tính hợp pháp, đúng đắn, khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn và đúng quy định.
Theo quy định tại Luật Chăn nuôi, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm các khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu vực xung quanh các cơ sở y tế, trường học, cơ sở văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh; khu vực xung quanh các nguồn nước, ao hồ, sông suối, kênh rạch, mương máng; khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; các khu vực khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.