| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang mô hình nuôi tôm điển hình ở Uông Bí

Thứ Năm 31/08/2023 , 06:47 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nghe theo lời kêu gọi của chính quyền phá dỡ lò vôi thủ công để chuyển đổi nghề nuôi tôm công nghệ cao, nông dân 'điển hình' Hoàng Quốc Chiến giờ phải đi kêu cứu.

Người đi đầu phá dỡ lò vôi để nuôi tôm công nghệ cao

6 năm trở về trước, khu Hồng Hà, phường Phương Nam từng được coi là "xóm lò vôi" lớn nhất TP Uông Bí vì tập trung tới hơn 80% lò vôi thủ công. Công việc này mặc dù bụi bặm, ô nhiễm nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Đến năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương vận động người dân tháo dỡ các lò vôi thủ công để chuyển đổi nghề.

Cuối năm 2019, gia đình ông Hoàng Quốc Chiến (khu Hồng Hà, phường Phương Nam, TP Uông Bí) đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao sau khi phá dỡ lò vôi thủ công. Ảnh: Việt Hoa.

Cuối năm 2019, gia đình ông Hoàng Quốc Chiến (khu Hồng Hà, phường Phương Nam, TP Uông Bí) đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao sau khi phá dỡ lò vôi thủ công. Ảnh: Việt Hoa.

Ông Hoàng Quốc Chiến khi đó đang là chủ của nhiều lò vôi khu Hồng Hà, với diện tích hơn 5.000m2 sản xuất. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, cuối tháng 4/2019, gia đình ông Chiến và nhiều hộ khác đã quyết định tự phá dỡ lò vôi và được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Ông Chiến cũng là một trong những hộ đầu tiên ở phường Phương Nam chấp hành dỡ bỏ lò vôi thủ công.

"Lúc đầu phá bỏ lò vôi thủ công, gia đình tôi cảm thấy rất tiếc nuối bởi xét về mặt kinh tế, nghề làm vôi đem lại thu nhập tốt. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất vôi thủ công không có hệ thống xử lý khói, bụi, nước thải, nên ngày càng ảnh hưởng đến môi trường, cũng như sức khỏe người dân trong khu. Chính bởi vậy, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình sản xuất vôi thủ công khác đều đóng cửa lò sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động", ông Chiến tâm sự.

Trước tháng 5/2019, các lò vôi thủ công tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, vẫn còn hoạt động, thường xuyên phát tán bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: Việt Hoa.

Trước tháng 5/2019, các lò vôi thủ công tại phường Phương Nam, TP Uông Bí, vẫn còn hoạt động, thường xuyên phát tán bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: Việt Hoa.

Sau khi phá dỡ lò vôi, được hỗ trợ, định hướng của TP Uông Bí, giữa năm 2019, gia đình ông Chiến và nhiều hộ dân khu Hồng Hà đã chuyển sang đầu tư nuôi trồng thủy sản trên chính khu đất lò vôi trước đây. Khu vực này cũng được UBND tỉnh Quảng Ninh lập quy hoạch phân khu 1/2.000 Tiểu khu G1 tại phường Phương Nam, trong đó quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế chuyển đổi nghề như nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghệ cao).

Do chưa biết gì về nuôi tôm nên ông Chiến và nhiều hộ dân khác được TP Uông Bí đưa đi học tập các mô hình nuôi tôm tiên tiến ở huyện Đầm Hà và Nam Định. Khi đã hiểu về nuôi tôm, cùng với số vốn tự có, ông Chiến vay thêm ngân hàng và bạn bè, người thân được gần 10 tỷ đồng đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao rộng 5.500m2 với 19 bể nuôi tôm trong nhà kính. Thời điểm năm 2019 - 2020, ông Hoàng Quốc Chiến được coi là "tấm gương" điển hình về chuyển đổi nghề thành công hậu phá dỡ lò vôi.

"Ngày ấy TP Uông Bí mời gọi báo đài đến đưa tin, biểu dương tôi ghê lắm. Thành công từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao khiến các hộ dân chúng tôi có thêm hi vọng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu…", ông Chiến buồn bã nói.

Vừa ổn định lại phải bỏ nghề

Nuôi tôm công nghệ cao được hơn 2 năm thì "đùng một cái", năm 2021 TP Uông Bí thông báo cho các hộ nuôi tôm chuẩn bị phải "giải tán" để nhường đất làm cụm công nghiệp Phương Nam. Chủ trương của địa phương các hộ dân đương nhiên phải chấp hành nhưng mức hỗ trợ bồi thường đã gây ra nhiều bức xúc. Bởi người dân phá dỡ lò vôi, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản là theo tiếng gọi của chính quyền nhưng vốn liếng bỏ ra đầu tư nuôi tôm còn chưa gỡ được thì đã phải dừng, dẫn đến nhiều hộ không kịp thu hồi vốn. Bên cạnh đó, đơn giá bồi thường về đất và các công trình đầu tư trên đất chưa sát với thực tế, thiệt thòi cho bà con nông dân.

Nuôi tôm công nghệ được hơn 2 năm thì ông Chiến và nhiều hộ dân khác lại phải dừng để bàn giao đất cho Uông Bí làm cụm công nghiệp Phương Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Nuôi tôm công nghệ được hơn 2 năm thì ông Chiến và nhiều hộ dân khác lại phải dừng để bàn giao đất cho Uông Bí làm cụm công nghiệp Phương Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Như trường hợp ông Hoàng Quốc Chiến. Năm 2006, ông Chiến mua lại hơn 5.500m2 đất nuôi trồng thủy sản với giá gần 1,7 tỷ đồng. Sau khi mua đất, gia đình ông Chiến làm lò vôi thủ công, năm 2019 thì phá dỡ các lò vôi thủ công để chuyển đổi nghề sang nuôi tôm công nghệ. Nuôi tôm công nghệ cao được gần 2 năm thì phải dừng để TP Uông Bí lấy đất làm cụm công nghiệp Phương Nam.

Ông Chiến mua đất hết 1,7 tỷ đồng, đầu tư công trình nuôi tôm, tổng chi phí cả chục tỷ đồng nhưng đến giờ ông chỉ được nhà đầu tư cụm công nghiệp Phương Nam hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm nuôi tôm theo định hướng của địa phương, ông Chiến "âm" mất 5 tỷ đồng, trong đó phần nửa là tiền vay vốn từ ngân hàng chính sách và bạn bè.

Mô hình nuôi tôm điển hình của TP Uông Bí giờ phải phá bỏ để làm cụm công nghiệp Phương Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Mô hình nuôi tôm điển hình của TP Uông Bí giờ phải phá bỏ để làm cụm công nghiệp Phương Nam. Ảnh: Cường Vũ.

Cũng phải nói thêm, trong số 5 tỷ đồng ông Hoàng Quốc Chiến được nhận từ nhà đầu tư cụm công nghiệp Phương Nam, thì 2,8 tỷ đồng là tiền doanh nghiệp hỗ trợ móng lò và mua trạt xỉ của ông Chiến với đơn giá 93.000 đồng/m3. Trạt xỉ này trước đây ông Chiến dùng để san lấp mặt bằng cho khu nuôi tôm, giờ nhà đầu tư triển khai làm cụm công nghiệp Phương Nam thì cũng phải cần đến vật liệu san lấp, cho nên doanh nghiệp bồi thường tiền trạt xỉ cho người dân. Còn lại số tiền 2 tỷ đồng, gồm 1,4 tỷ đồng tiền hỗ trợ công trình đầu tư trên đất nuôi trồng thủy sản và 60 triệu đồng bồi thường về đất. Đó là các khoản hỗ trợ ngoài chính sách từ phía doanh nghiệp, riêng TP Uông Bí thì không bồi thường cho gia đình ông Chiến vì cho rằng ông không phải chủ của khu đất.

Xác nhận của Hội đồng đăng ký đất đai phường chỉ là tờ giấy vô giá trị?

Khu đất 5.500m2 này ông Hoàng Quốc Chiến mua lại của ông Đỗ Văn Chí từ năm 2006, có giấy viết tay, là đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2019, khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hội đồng đăng ký đất đai phường Phương Nam gồm ông: Bùi Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, ông Lê Thanh Hải - công chức địa chính đô thị xây dựng, ông Nguyễn Hợp Nhất  - Chủ tịch MTTQ phường, ông Bùi Văn Trà - thanh tra nhân dân, bà Mai Thị Quỳnh Trang - công chức hộ tịch, tư pháp và ông Đỗ Xuân Khương - Trưởng khu Hồng Hà, đã họp, ra biên bản xác nhận rõ chủ sử dụng đất là ông Hoàng Quốc Chiến và bà Trương Thị Lan (vợ ông Chiến).

Hội đồng xác nhận ông Chiến, bà Lan là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Địa chỉ thửa đất: Thửa số (tách từ thửa 55) Tờ bản đồ số 117 - Đầm nằm ở khu vực ven sông Đá Bạc, thuộc khu vực Vành Kiệu 1, khu Hồng Hà, phường Phương Nam, cách đê Vành Kiệu 1 khoảng 200m về phía sông. Hội đồng xác định về hiện trạng sử dụng đất là đất nuôi trồng thủy sản. Về nguồn gốc sử dụng đất: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Đỗ Văn Chí từ năm 2006 có giấy viết tay (Thửa đất tách ra từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản số 15 cấp năm 1992. Về tình trạng tranh chấp khiếu kiện đất đai là không có. Về quy hoạch sử dụng đất: Đất nằm ở khu vực quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản thuộc phân khu G1.

Kết luận của Hội đồng đăng ký đất đai, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hiện trạng 5528,6m2, mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng đất 50 năm (tính từ 2014).

Sau khi Hội đồng đăng ký đất đai xác nhận, tán thành 100%, Hội đồng cũng đã có văn đề nghị UBND TP Uông Bí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cho ông bà Hoàng Quốc Chiến quản lý, sử dụng theo quy định.

Biên bản lập ngày 19/11/2019, được các thành viên hội đồng ký, đóng dấu trình lên TP Uông Bí. Song, do khu đất sau đó lại nằm trong diện tích thu hồi làm cụm công nghiệp Phương Nam nên bị treo, đến giờ ông Hoàng Quốc Chiến chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

giay ban dat
Đất đai khi mua bán có giấy viết tay. Nguồn gốc đất được Hội đồng đăng ký đất đai xác nhận nhưng đến khi lập phương án bồi thường thì ông Chiến lại không phải chủ đất ?! 

Đất đai khi mua bán có giấy viết tay. Nguồn gốc đất được Hội đồng đăng ký đất đai xác nhận nhưng đến khi lập phương án bồi thường thì ông Chiến lại không phải chủ đất ?! 

Nguồn gốc đất của gia đình ông Hoàng Quốc Chiến rõ ràng như thế nhưng trong văn bản trả lời khiếu nại của ông Chiến, UBND phường Phương Nam lại xác định ông Chiến không phải chủ của khu đất này.

"UBND phường Phương Nam xác định toàn bộ diện tích đất năm 2006 ông Đỗ Văn Chí chuyển nhượng cho gia đình ông Hoàng Quốc Chiến 5.850m2 bằng giấy viết tay (giao dịch dân sự, không được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận..), đất nuôi trồng thủy sản, diện tích đất này đã được UBND thị xã Uông Bí (nay là TP Uông Bí) cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nuôi trồng thuỷ sản (vào sổ cấp giấy chứng nhận QSD số 15 QSDĐ); Diện tích 150.000m2. Tên chủ sử dụng: Ông Đỗ Văn Chí. Do ông Hoàng Quốc Chiến không thuộc đối tượng bị thu hồi đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án cụm công nghiệp Phương Nam, do vậy phường Phương Nam không có cơ sở giải quyết khiếu nại đối với gia đình ông Hoàng Quốc Chiến theo quy định pháp luật", văn bản trả lời mới nhất của UBND phường Phương Nam nêu rõ.

Video clip ông Hoàng Quốc Chiến tại khu nuôi tôm công nghệ cao của gia đình. 

Nhận được thông báo trên của phường Phương Nam, nông dân Hoàng Quốc Chiến dường như chết lặng. "Đất tôi mua từ 2006, có giấy viết tay, được Hội đồng đăng ký đất đai xác nhận nguồn gốc, đủ điều kiện cấp sổ. Cũng khu đất này, khi TP Uông Bí giải tỏa phá dỡ lò vôi để chuyển đổi nghề, gia đình vẫn được hỗ trợ, bồi thường. Nhưng giờ đến dự án cụm công nghiệp Phương Nam, cũng là khu đất đó nhưng chính quyền lại xác định không phải đất của gia đình tôi, đó là điều hết sức vô lý và phi pháp", ông Chiến bức xúc nói và cho rằng như vậy thì giấy tờ mua bán viết tay cùng biên bản xác nhận của Hội đồng đăng ký đất đai phường Phương Nam năm 2019 chỉ là tờ giấy lộn không có giá trị?

Ông Chiến hiện đã có đơn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Quảng Ninh, đề nghị cấp có thẩm quyền vào cuộc xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của công dân.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm