| Hotline: 0983.970.780

Giảm nghèo 'siêu tốc' nhờ nuôi gà Tiên Yên

Chủ Nhật 05/02/2023 , 15:27 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nhờ nuôi gà, nhiều hộ dân xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã thoát nghèo, có hộ còn xây được nhà lầu, tậu xe hơi.

Ông Lý Văn Diểng (bên phải) đang thụ tinh cho gà Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

Ông Lý Văn Diểng (bên phải) đang thụ tinh cho gà Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

Tháng 12/2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 4. Quảng Ninh có một cá nhân được trao danh hiệu này là Thạc sĩ Lý Văn Diểng, dân tộc Sán Dìu, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên với công trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên.

Hà Lâu - nơi đàn ông chỉ ở nhà uống rượu

Trước khi làm Chủ tịch Hội nông dân huyện Tiên Yên, ông Diểng từng có thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), xã nghèo bậc nhất tỉnh Quảng Ninh một thời.

Ông Lý Văn Diểng đón nhận danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông từ Ban Tổ chức. Ảnh: Cường Vũ

Ông Lý Văn Diểng đón nhận danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông từ Ban Tổ chức. Ảnh: Cường Vũ

Ông Diểng cho biết, tháng 10/2014, ông được huyện điều động về xã Hà Lâu làm Phó Bí thư Đảng ủy, 4 tháng sau lên Bí thư Đảng ủy xã. Khi đó, Hà Lâu có khoảng 2.800 nhân khẩu nhưng trên 70% là hộ nghèo và cận nghèo, gần 100% là đồng bào dân tộc, trong đó có 2 dân tộc chính là dân tộc Dao (chiếm khoảng 70%) còn 28% là dân tộc Tày, người Kinh ở đây được coi như thiểu số. Khi ông Diểng rời Hà Lâu để trở về huyện làm Chủ tịch Hội nông dân Tiên Yên vào năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,6%, cận nghèo 0,9%.

Khu dân cư tập trung của người Dao thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, nơi từng nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

Khu dân cư tập trung của người Dao thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, nơi từng nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ

"Ngày mình về Hà Lâu, mang tiếng là ở Tiên Yên đất gà danh bất hư truyền mà không có gà. Mình tiếp khách, nhờ mấy đồng chí cán bộ xã đi đến 3 làng cũng không mua được gà do bị dịch. Cuối cùng phải cho người xuống tận Yên Than mua được hai con gà về đãi khách", ông Diểng nhớ lại kỷ niệm đầu tiên khi về xã Hà Lâu.

Ngày ấy, xã Hà Lâu nghèo khổ vì có "truyền thống" đàn ông ở nhà đánh bài, uống rượu còn phụ nữ đi rừng kiếm sống. Mỗi lần đi thăm các thôn bản, chứng kiến cảnh những "nóc nhà" mải mê bài bạc, rượu chè, ông Diểng trăn trở lắm nhưng chưa biết làm thế nào vì Hà Lâu đường xá hiểm trở xa xôi, bao năm nay bà con sống lay lắt dựa vào rừng, không biết làm nghề gì khác.

Mô hình nuôi gà tiên phong của thầy giáo

Tầm đầu năm 2015, ông Diểng được anh Trần Văn Hoan, là con rể của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu, đang dạy hợp đồng cho một trường bán trú tại xã mời sang ăn cơm. Tại đây, anh Hoan chia sẻ kế hoạch làm chuồng để nuôi dê với ông Diểng.

"Mình bảo à thế à, nhưng chăn dê ở đây không hiệu quả đâu vì ngày trước mình có xui ông chú mình nuôi đàn dê nhưng thất bại, rất đau đớn. Tuy nhiên, lúc ấy mình cũng không dám can mạnh vì Hoan đặt giống rồi", ông Diểng kể.

Bốn hôm sau, bố Hoan gọi điện cho ông Diểng hỏi "có ăn dê không", ông Diểng hỏi lại "sao mới nuôi mà đã có dê bán rồi" thì được biết chó mới cắn chết một con nên để thịt, đang nhờ mọi người mua ủng hộ.

Tiếp hôm sau, Hoan điện cho ông Diểng báo thêm tin buồn, chó lại cắn chết thêm một con dê nữa. "Mình lên nhà bảo nó, thôi cháu tính toán xem thế nào, đàn dê ấy không chăn được nữa đâu, còn bao nhiêu con nhốt lại đừng thả ra nữa rồi gọi người ta vào bán hết đi chứ chó đã cắn một con là cắn hết đấy", ông Diểng nhớ lại lời nhắn nhủ với Hoan sau khi chó cắn chết 2 con dê trong đàn.

Thấy vợ chồng Hoan buồn lo vì đàn dê chết yểu, ông Diểng dặn Hoan mai xuống trang trại gà của ông bàn tý việc. Đúng sáng hôm sau, vợ chồng Hoan đèo nhau xuống trang trại gà của ông Diểng tại thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên như lời hẹn.

Trang trại nuôi gà Tiên Yên của ông Diểng tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

Trang trại nuôi gà Tiên Yên của ông Diểng tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

"Mình đưa Hoan đi thăm các mô hình gà. Lúc ấy mình phải làm mô hình ở trong trang trại để người dân họ đến học, chứ giờ cán bộ nói với dân là nuôi gà Tiên Yên đi mà mình lại không nuôi, không có mô hình thì ai người ta tin. Sau khi đã xem kỹ mô hình chăn nuôi gà, mình bảo vợ chồng Hoan về chọn ngày đẹp rồi làm chuồng, mình sẽ đầu tư vốn cho Hoan nuôi, cần thiết sẽ chung vốn làm ăn luôn, giống, thức ăn có hết đây rồi", ông Diểng chia sẻ.

Tại sao ông Diểng lại "nhiệt tình" với Hoan như vậy? bởi ông nghĩ rằng nếu như nói với dân Hà Lâu thì không thể nói mồm không được và ông cũng không thể đưa hết dân Hà Lâu xuống trang trại xem hết được. Cho nên, chỉ cần một mô hình ở Hà Lâu làm tốt thì người dân sẽ tin, sẽ làm theo. Thế nên ông Diểng phải "kích" Hoan lên, đặt tất cả hi vọng vào Hoan và đây sẽ là "mồi nhử" để bà con Hà Lâu thoát nghèo.

Dân Hà Lâu "lên đời" nhờ gà Tiên Yên

Được ông Lý Văn Diểng động viên, hỗ trợ, vợ chồng Hoan về Hà Lâu làm chuồng trại gà, ban đầu đặt 1.000 con gà giống. Còn ông Diểng, hàng ngày trước khi lên cơ quan thì đều ghé qua trại gà của Hoan để xem xét, hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc gà. Đến khi gà trưởng thành, Hoan xuất bán cho các thương lái, nhà hàng và bán ngoài chợ, thu về được "mớ" tiền kha khá. Nhận thấy mô hình đã có chút thành công nên ông Diểng đã dành ra một buổi mời tất cả cán bộ xã, thôn bản xuống thăm mô hình nuôi gà Tiên Yên của anh Trần Văn Hoan mà ông gọi vui cuộc hôm đó là "buổi giao ban về gà".

Trang trại gà tại Hà Lâu của anh Trần Văn Hoan. Ảnh: Cường Vũ

Trang trại gà tại Hà Lâu của anh Trần Văn Hoan. Ảnh: Cường Vũ

Tại buổi "giao ban" này, ông Diểng vận động các Trưởng thôn và Đảng viên nuôi gà cho dân nhìn theo học tập. "Tôi là Bí thư, tôi đã nuôi gà rồi, thấy lãi nên tôi mới dám bảo người ta làm theo. Các anh là cán bộ xã phải làm trước chứ không thể nói vo, tuyên truyền miệng được", ông Diểng kể lại lời ông nói tại buổi "giao ban" về gà và cho biết Hà Lâu khi đó có 12 thôn thì ông yêu cầu mỗi thôn ít nhất phải có 2 hộ nuôi gà, đầu tiên phải là nhà cán bộ. Cuối cùng chỉ được 7 thôn nuôi gà Tiên Yên nhưng theo ông bước đầu như thế cũng là rất tốt. Bây giờ thì tất cả các thôn của Hà Lâu đều có trang trại gà, dân Hà Lâu giờ ăn gà, nói gà, vợ chồng ngủ trên giường có khi cũng nói về gà.

Anh Hoan đã có nhà cao cửa rộng, sắm được cả ô tô nhờ nuôi gà Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

Anh Hoan đã có nhà cao cửa rộng, sắm được cả ô tô nhờ nuôi gà Tiên Yên. Ảnh: Cường Vũ

Còn anh Trần Văn Hoan, người làm mô hình nuôi gà đầu tiên tại Hà Lâu giờ đã là ông Giám đốc Hợp tác xã nuôi gà tại thôn Bắc Lù - Nà Trang, xã Hà Lâu. Trang trại của Hoan hiện còn hơn 2.000 con gà, trung bình mỗi năm anh xuất từ 3.000 đến 4.000 con gà thương phẩm cho nhà hàng, thương lái, trừ các chi phí lãi khoảng trên 200 triệu đồng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.