| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an ninh nguồn nước – kinh nghiệm từ Bình Thuận

Chủ Nhật 17/10/2021 , 13:46 (GMT+7)

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho rằng, muốn đảm bảo an ninh nguồn nước, cần phải khắc phục cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận.

Nhiều vùng khô hạn hết “khát nước”

Thưa ông Nguyễn Hữu Phước, Bình Thuận là một trong những vùng đất khô hạn nhất nước ta. Hàng năm, tỉnh luôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô. Như năm 2020, hơn 40.000 hecta đất canh tác vụ đông xuân và hè thu không thể sản xuất; 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Những số liệu khiến chúng ta cảm thấy vô cùng xót xa. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?

Phải khẳng định Bình Thuận là tỉnh hạn hán chỉ sau Ninh Thuận, lượng mưa bình quân hàng năm chỉ khoảng 1.000mm. Bình Thuận có 3 khu vực, khu vực phía Nam tổng lượng mưa trong năm từ 1.700 – 2.300mm, đảm bảo đủ nước; vùng chính giữa ở trung tâm tỉnh chỉ khoảng 1.000 – 1.200mm, đặc biệt khu vực phía Bắc tỉnh, lượng mưa chỉ có khoảng 700mm, từ đó xảy ra tình trạng hạn hán rất gay gắt.

Đặc biệt năm 2016 và 2019, nhiều khu vực bị hạn hán, nhiều đồng ruộng phải bỏ hoang, nước sinh hoạt và các nguồn nước phục vụ sản xuất, du lịch, công nghiệp đều thiếu.

Về nguyên nhân khách quan thì trước tiên là do biến đổi khí hậu. Thứ hai là do lượng mưa chỉ tập trung vào 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm), các tháng còn lại lượng mưa chỉ chiếm 10%, dẫn đến tình trạng hạn hán.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là diện tích sản xuất của người dân ngày càng lớn, trong khi quy hoạch nguồn nước và các giải pháp công trình chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước đây, hàng năm Bình Thuận chỉ sản xuất dưới 10.000ha trong mùa khô, nhưng giờ đây người dân có nhu cầu sản xuất trên 50.000ha.

Bình Thuận đã chuyển đổi rất mạnh diện tích trồng lúa sang cây thanh long, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.000 ha.

Bình Thuận đã chuyển đổi rất mạnh diện tích trồng lúa sang cây thanh long, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.000 ha.

Trước đây, diện tích cần tưới hàng năm chỉ khoảng 30.000ha nhưng bây giờ trên 150.000ha. Nhu cầu nước sinh hoạt của người dân cũng tăng rất cao, trước đây nhu cầu của người dân khoảng 40 lít/người/ngày nhưng đến giờ thì điều kiện sinh hoạt, đời sống nâng cao, người ta sử dụng 100 – 120 lít/người/ngày. Cùng với đó, nhiều khu công nghiệp ra đời, du lịch cũng phát triển nên thiếu rất lớn.

Và cúng ta cũng phải thừa nhận rằng diện tích rừng cũng có giảm hơn và chất lượng rừng không bằng trước đây. Bên cạnh đó, các giải pháp công trình chúng ta đầu tư không đảm bảo theo quy hoạch và mục tiêu đề ra.

Được biết, giai đoạn vừa qua và những năm tới, Nhà nước đã và đang dành nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển hạ thủy lợi và các hồ chứa nước tại tỉnh Bình Thuận. Điển hình như dự án xây dựng hồ Sông Lũy, hồ chứa nước Kapet, hồ chứa nước La Ngà 3… Vậy, ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Phước nhận thấy các giải pháp công trình này giúp địa phương khai thác nguồn nước hiệu quả ra sao?

Đối với Bình Thuận, một trong những giải pháp căn cơ để chống hạn chính là xây dựng hồ chứa nước. Bình Thuận đã quy hoạch các khu vực xây dựng hồ chứa nước, tuy nhiên một thời gian dài chúng ta không đủ nguồn lực để thực hiện.

Bằng chứng là tổng dung tích các hồ chứa từ ngày giải phóng miền Nam đến năm 2019 trên toàn tỉnh Bình Thuận chỉ đạt 300 triệu m3 nước thôi. Từ năm 2020, Bình Thuận được Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư dự án hồ chứa nước Sông Luỹ với dung tích 100 triệu m3 để giải quyết tình trạng thiếu nước của khu vực phía Bắc của tỉnh. Từ đó đã giải quyết cơ bản tình trạng khô hạn ở các địa phương phía Bắc (gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc).

Quốc hội cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Kapet (tại vùng trung tâm tỉnh Bình Thuận) với dung tích 51 triệu m3 nước để giải quyết bài toán thiếu nước cho một số địa phương thuộc huyện Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Đặc biệt phía Nam của Bình Thuận có dự án hồ chứa nước La Ngà 3 với dung tích quy hoạch khoảng 470 triệu m3 nước, trong đó khoảng 400 triệu m3 nước dung tích hữu ích.

Sau khi hoàn thành xây dựng các hồ này, chúng tôi sẽ chuyển nước đến hết các huyện phía Nam của tỉnh cũng như về thành phố Phan Thiết để giải quyết cơ bản tình trạng hạn hán. Bởi vì vùng Phía Nam là vùng nhiều nước nên có thể chuyển nước cho vùng trung tâm và phía Bắc.

Sử dụng tiết kiệm nước – con đường tất yếu

Thưa ông, từ khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận không còn lo lắng về nguồn nước tưới. Nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng cây trồng cạn như thanh long, dừa, lạc, dưa hấu, rau các loại… đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Vậy, đây có phải là các giải pháp mà Bình Thuận đang khuyến khích đẩy mạnh triển khai trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm trong mùa khô?

Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra thiếu nước, giải pháp sử dụng tiết kiệm nước luôn được tỉnh Bình Thuận đề cập trong chỉ đạo của tỉnh cũng như của Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

Muốn tiết kiệm nước thì phải chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Thông qua đó, chúng ta có thể tiết kiệm được 40 – 60% lượng nước rồi. Và nếu vận dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng cạn thì chúng ta tiết kiệm tiếp khoảng 46% lượng nước.

Ví dụ, lượng nước tưới cho 1ha có thể tưới cho ít nhất 2ha cây trồng cạn. Rồi 1ha cây trồng cạn nếu tiết kiệm nước thì phải làm được 2ha.

Cho nên Bình Thuận đã chuyển đổi rất mạnh diện tích trồng lúa sang cây thanh long, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.000 ha. Các cây trồng khác cũng được chuyển đổi với diện tích vài chục nghìn ha. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ.

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận lúc nào cũng đề nghị xây dựng các đề án ưu tiên, ưu đãi cho người dân, doanh ngiệp áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đến nay Bình Thuận đã có khoảng 21.000ha cây trồng cạn được tưới tiết kiệm nước (như phun mưa, nhỏ giọt).

Tỉnh cũng đang tiếp tục xây dựng đề án làm sao đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu 50% cây trồng cạn được tưới tiên tiến tiết kiệm nước, có như thế mới đáp ứng được lượng nước trong bối cảnh hạn hán. Bởi, dù chúng ta có xây dựng nhiều hồ đập thì cũng không đủ hết cho các diện tích đất nông nghiệp của Bình Thuận với khoảng 350.000ha đất nông nghiệp. Xin lưu ý rằng hiện nay Bình Thuận mới chủ động nước cho khoảng 54.000ha tức 16%, nên càng tiết kiệm nước thì chúng ta càng tăng được diện tích sản xuất và dành lượng nước phát triển kinh tế, xã hội.

HĐND tỉnh Bình Thuận cũng đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ cho những doanh nghiệp, người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. 1ha tưới tiết kiệm sẽ được hỗ trợ với mức khoảng 40 – 50% kinh phí kéo đường ống dẫn nước (tuỳ từng khu vực). Rồi khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu và làm sao hạ giá vật tư hệ thống tưới nước, để người dân dễ tiếp cận.

Không chỉ riêng nước mặt mà nước ngầm cũng ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh Bình Định đã có giải pháp gì để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này cho tương lai?

Đối với Bình Thuận, nước ngầm rất quan trọng. Hiện nay nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chỉ 40% lấy từ nước mặt, còn lại hầu hết người dân và các nhà máy nước khai thác nguồn nước ngầm. Một số khu vực thiếu nước, người dân vẫn phải lấy nước ngầm để phục vụ sản xuất.

Nhu cầu thì rất lớn, tuy nhiên cần có sự quản lý chặt chẽ. Hiện nay Bình Thuận đã quy hoạch khai thác nước ngầm ở khu vực ven biển là vùng thường xảy ra hạn hán, vùng này nếu khai thác thì có thể khai thác được 1,5 triệu m3 nước trên ngày. Đây là nguồn nước rất lớn để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt. Còn đối với các lĩnh vực sản xuất, tỉnh khống chế, không cho khai thác tràn lan để làm sao không ảnh hưởng đến nguồn ngước ngầm.

Về cơ chế chính sách, tỉnh đã ban hành các quy định quản lý như cấp phép khai thác, cấp phép hành nghề khoan nước ngầm đều... Đồng thời tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng trữ lượng nước ngầm.

Hoạt động khai thác nước ngầm chỉ được áp dụng cho tưới tiết kiệm hoặc sử dụng tiết kiệm. Ví dụ, khu vực đảo Phú Quý, nước ngầm chỉ đảm bảo khai thác khoảng 1.650m3/ngày, nếu khai thác quá thì sẽ bị nhiễm mặn. Nhưng nhu cầu sử dụng nước của người dân lên tới 3.000m3/ngày. Chúng tôi phải có biện pháp để hạn chế và sử dụng tiết kiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.